Sơn La làm gì để phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê?
VOV.VN - Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Sơn La cần có những giải pháp để đáp ứng quy định, thủ tục, tiêu chuẩn để cà phê Sơn La xuất khẩu, tiêu thụ tốt tại thị trường châu Âu.
Những khó khăn, thách thức và các giải pháp đã được các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, đề xuất tại Hội thảo phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê và Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La, tổ chức ngày 21/10, trong khuôn khổ Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023.
Sau gần 80 năm phát triển, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước, với khoảng 20.000ha. Trong đó có gần 18.000ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng trên 200.000 tấn quả tươi, giá trị sản phẩm quả tươi ước đạt trên 2.000 tỷ đồng; được công nhận 2 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê; 4 sản phẩm cà phê được cấp công nhận sản phẩm OCOP...
Tại địa phương có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê. Sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La, đến nay vẫn duy trì quản lý cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “cà phê Sơn La” cho 6 tổ chức.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất cà phê vẫn còn một số tồn tại như: sản lượng cà phê còn bị ảnh hưởng nhiều do thời tiết, biến đổi khí hậu như: nắng hạn, sương muối, mưa đá; chuỗi giá trị sản phẩm cà phê chưa chặt chẽ, thiếu bền vững; có nhiều cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng cà phê; chất lượng chưa đồng đều; khâu thu hái của người dân nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật…
Đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn về liên kết sản xuất và bất lợi về môi trường, ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, tiềm năng cà phê Arabica của Sơn La còn lớn, nhưng cũng còn nhiều bất lợi. Khi phát triển sau này, Sơn La cần cố gắng duy trì chất lượng, chế biến sâu hơn.
“Hiện nay cà phê Sơn La đang sản xuất ở quy mô nông hộ, cần sắp xếp, tạo nên các liên kết, mà ở đó chìa khoá của sự bền vững của cà phê Sơn La xuất phát từ cộng đồng. Với thách thức trong chế biến với Arabica là về môi trường, đặc biệt với Sơn La thách thức về sương muối, việc phát triển cây che bóng tầng cao là cần thiết, bù lại về mặt lâu dài có thể tạo được nguồn thu”, ông Tuấn khuyến nghị.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Sơn La cần có những giải pháp để đáp ứng quy định, thủ tục, tiêu chuẩn để cà phê Sơn La xuất khẩu, tiêu thụ tốt tại thị trường châu Âu. Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La cho biết, với quy định của EU về sản xuất không phá rừng sẽ là thách thức với sản xuất nông nghiệp của Sơn La nói chung và sản xuất cà phê nói riêng.
“Quy định của EU đặt ra với ngành sản xuất cà phê cần chú trọng thâm canh, tăng năng suất trên diện tích cây cà phê hiện có để nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chí cà phê không phá rừng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trên 90% diện tích cà phê Sơn La đã đáp ứng, đó là sau năm 2020 không trồng cà phê vào diện tích cây lâm nghiệp”, bà Phong thông tin.
Về vấn đề kết nối giao thương tiêu thụ cà phê Sơn La, ông Tạ Mạnh Cường, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: Kinh nghiệm từ quốc tế hiện nay có nhiều nước xây dựng thương hiệu cà phê gắn với thế mạnh địa phương, đặc biệt là du lịch. Sơn La có lợi thế tiềm năng du lịch, việc xây dựng thương hiệu cà phê gắn với du lịch sẽ giúp tăng khả năng thu hút khách, từ đó sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu tại chỗ, trực tiếp ra nước ngoài của cà phê Arabica Sơn La.
“Muốn gắn cà phê với du lịch đầu tiên phải tìm được những đặc trưng của du lịch Sơn La là những gì, khác với các nước để làm nổi bật cái tiềm năng, đặc sắc về du lịch. Hai là lịch sử hình thành phát triển cà phê của Sơn La, gắn với đồng bào như thế nào, ảnh hưởng đến cuộc sống, văn hoá tiêu dùng”, ông Cường gợi mở.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 khẳng định, trên cơ sở hội thảo phát triển cà phê bền vững, tỉnh sẽ đánh giá toàn diện vùng trồng cà phê, đánh giá quy trình trồng, quy trình sản xuất, canh tác, thu mua, thu hái và chế biến tiêu thụ sản phẩm.
“Kết quả hội thảo để các cấp, ngành rút ra được bài học kinh nghiệm, cách thức tổ chức, ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng vùng cà phê Sơn La phát triển bền vững. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cà phê thông qua hội nghị xúc tiến, theo định hướng để cà phê Sơn La sẽ vươn tầm ra thế giới”, ông Công nhấn mạnh.