Sửa đổi Thông tư 06 các doanh nghiệp BĐS có hưởng lợi?
VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng việc ngưng thi hành một số điều khoản tại Thông tư 06 của NHNN sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Theo đó, hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 thuộc Điều 8 của Thông tư 06 sẽ được tạm ngưng thay vì áp dụng từ ngày 1/9/2023). Các chuyên gia cho rằng việc ngưng thi hành một số điều khoản tại Thông tư 06 của NHNN sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp bất động sản.
Đánh giá tác động của Thông tư 10/2023, các chuyên gia cho rằng, việc tạm ngưng thi hành các khoản mục trên sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn có cơ hội tái cơ cấu lại, thông qua chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh với đối tác.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, đối với lĩnh vực tín dụng, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi thêm một số quy định cho phù hợp.
“Thông tư 10/2023 chứng tỏ việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời hiệu quả. Muốn nới lỏng phù hợp phải đẩy nhanh tín dụng vào nền kinh tế, nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ nhất đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cũng hết sức lắng nghe để hoàn thiện dự thảo”, ông Châu ý kiến.
Về tác động đến ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng, các điều chỉnh trên sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, vốn đang ở mức thấp trong thời gian gần đây (đến cuối tháng 7 chỉ tăng 4,56% so với đầu năm, giảm 0,17% so với thời điểm cuối tháng 6).
Trên thực tế, mỗi ngân hàng sẽ có khẩu vị rủi ro riêng, nên vẫn có thể sẽ không chủ động giải ngân đối với các dự án và khoản vay mà họ đánh giá là có rủi ro cao. Trong khi đó, Thông tư mới ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi, trong việc giải ngân tín dụng đối với các ngân hàng ưa thích cho vay lĩnh vực BĐS.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Lê Thành cho rằng, đây là tín hiệu đáng hoan nghênh của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, vì đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bất động sản, trước những khó khăn của doanh nghiệp khi Thông tư 06 áp dụng thời những điểm cho vay.
“Nhiều ngân hàng nói rằng, thời điểm cho doanh nghiệp vay là thời điểm dự án đưa vào kinh doanh, việc này khá bất hợp lý đối với doanh nghiệp bất động sản. Tôi cho rằng, nên ngừng và xem xét lại quan điểm này trong một thời gian ngắn, từ đó định nghĩa rõ thời điểm cho doanh nghiệp bất động sản cho vay là như thế nào? Tôi cho rằng, thời điểm tính pháp lý của dự án đầy đủ và rõ ràng là thời điểm các ngân hàng cho vay là phù hợp”, ông Nghĩa nêu quan điểm.