Sửa gấp Nghị định 20 để cởi trói cho doanh nghiệp
Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật giảm đi...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa nhắc Bộ Tài chính sửa Nghị định 20. Ông nói: “Nghị định 20 Thủ tướng Chính phủ ba lần nhắc chuyện này”.
Khoản 3 điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết” quy định “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Nghị định 20 ra đời năm 2017, tức là hơn hai năm qua nó đang trở thành rào cản và gây khó khăn cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. |
Một trong những điểm bất hợp lý của Nghị định 20 là đưa thêm những quy định mới không có trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mà cụ thể là việc áp dụng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay cố định như quy định tại khoản 3 điều 8. Nghị định trên dường như chưa nghiên cứu tổng thể điều kiện thực tiễn của Việt Nam và cũng chưa có đánh giá toàn diện tác động của quy định này đến môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%.
Như vậy có thể thấy Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Nhưng Nghị định này lại dường như không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do họ ít phải vay, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của loại hình doanh nghiệp này chỉ là 1,8/1, thấp hơn khu vực trong nước rất nhiều, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực FDI lại rất cao, gấp 5,4 lần khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước (6,5 so với 1,12).
Như vậy, thực tế cho thấy Nghị định 20 hoàn toàn trái ngược với mục tiêu hướng đến ban đầu khi ban hành là nhằm hạn chế việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp. Trong khi đó, nghị định này lại như một “làn roi” quất mạnh vào các doanh nghiệp nội vốn đã rất còm cõi, và tổn thương nặng nề nhất lại rơi vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, kinh doanh bất động sản.
Nghị định 20 ra đời năm 2017, tức là hơn hai năm qua nó đang trở thành rào cản và gây khó khăn cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Luật Quản lý thuế quy định, thời gian tối đa cơ quan thuế xuống doanh nghiệp quyết toán thuế là năm năm, và theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản lãi vay không bị trừ ra khỏi chi phí hợp lý, do vậy trước khi Nghị định 20 ra đời, kế toán của doanh nghiệp mặc nhiên hạch toán khoản lãi vay này vào chi phí hợp lý. Nay, nhiều khả năng các khoản lãi được hạch toán vào chi phí trước khi có Nghị định 20 sẽ bị cơ quan thuế xuất toán, khi đó chủ doanh nghiệp mới biết lãi thật của mình không còn do bị truy thu thuế theo nghị định này.
Nghị định này cũng có thể cản trở việc các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp, vì họ có khả năng chuyển từ trạng thái đang làm ăn có lãi thành thua lỗ do bị khống chế về chi phí lãi vay khi lên thành doanh nghiệp, nên sẽ không muốn chuyển đổi.
Bãi bỏ hay sửa đổi Nghị định 20 sẽ làm lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng lên qua đó làm giá trị gia tăng và GDP của đất nước tăng lên và Nhà nước có thể thu được nhiều thuế hơn ở những chu kỳ sản xuất kinh doanh sau. Câu hỏi đặt ra là tại sao một nghị định khiến Nhà nước, doanh nghiệp đều thiệt hại có thể tồn tại lâu đến thế? Những việc có hại cho doanh nghiệp và cả Nhà nước không thể “để từ từ” xem xét được./.
Vốn FDI từ Trung Quốc gây nhiều hệ quả về môi trường, xã hội
Công nghiệp điện tử: Vẫn khó kết nối DN nội với khối FDI