Suất đầu tư 1km đường cao tốc Bắc Nam hết 215 tỷ đồng
Theo đơn vị tư vấn dự án cao tốc Bắc Nam, suất đầu tư bình quân cho đường cao tốc 4-6 làn xe là 215 tỷ đồng mỗi km, thấp hơn các nước trong khu vực.
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Giao thông Vận tải (TEDI) - đơn vị lập dự án cao tốc Bắc Nam, cho hay 1.372km cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư khoảng 314.000 tỷ đồng, trong đó 739km có quy mô 4 làn và 633km quy mô 6 làn xe. Bình quân suất đầu tư cho cao tốc 4-6 làn xe là 215 tỷ đồng mỗi km (tương đương hơn 9,7 triệu USD).
Bình quân suất đầu tư cho cao tốc 4-6 làn xe là 215 tỷ đồng/km. Ảnh: Giang Huy
Nếu trừ chi phí cầu, hầm, thiết bị, giải phóng mặt bằng, xử lý nền đất yếu và lãi vay, suất đầu tư của cao tốc Bắc Nam khoảng 102 tỷ đồng một km với đường 4 làn xe và 134 tỷ đồng một km với đường 6 làn xe.
Theo ông Sơn, suất đầu tư của dự án đã được đơn vị nghiên cứu chi tiết bám sát vào định mức của Bộ Xây dựng. Cụ thể Bộ Xây dựng quy định suất vốn đầu tư mỗi km đường cao tốc 4 làn xe khoảng 131 tỷ đồng, 6 làn xe khoảng 200 tỷ đồng.
Suất đầu tư mà TEDI đưa ra cũng được cho là thấp hơn các nước trong khu vực. Đơn cử, Trung Quốc đầu tư cao tốc 4 làn xe có giá 7,8-13,9 triệu USD một km; 6 làn xe là 9,4-12,3 triệu USD một km; hoặc Hàn Quốc đầu tư cao tốc 4 làn xe giá 24,3 triệu USD một km…
"Suất đầu tư đường cao tốc Bắc Nam là phù hợp", ông Phạm Hữu Sơn khẳng định và thông tin thêm đây mới là con số tổng theo báo cáo tiền khả thi, việc tăng hay giảm sẽ do Chính phủ quyết định.
Cuối tháng 2, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam. Trong các phương án đưa ra, Bộ nhấn mạnh phương án chia 1.372km cao tốc thành hai giai đoạn. Từ nay đến 2022 sẽ đầu tư 467km và từ 2023 đến 2028 sẽ đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến.
Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn một khoảng 103.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 41.400 tỷ đồng vốn trái phiếu.
Theo phương án này, ngành giao thông sẽ xây dựng các đoạn cao tốc Mai Sơn (Ninh Bình) - Vinh (Nghệ An) và đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) theo hình thức hợp đồng BT với quy mô 4 làn xe trên nền giải phóng mặt bằng 17m; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai) với quy mô 4 làn xe trên nền đường 25m.
Cùng với đó, đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) mở rộng từ 2 thành 4 làn xe./.