Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đúng lộ trình

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời những vấn đề đang được xã hội quan tâm về tiến trình tái cơ cấu các TCTD hiện nay.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú: "Thực tế việc mua bán sáp nhập trong ngành tài chính diễn ra từ khá lâu. Ở thời kỳ nền kinh tế sôi động hay những lúc khó khăn bất ổn việc sáp nhập đều có. Ví dụ, trước đây NHNN chẳng mất đồng vốn nào mà các Ngân hàng Việt Hoa, Ngân hàng Châu Á - Thái Bình Dương… vẫn sáp nhập bình thường và đem lại kết quả tốt. Hiện nay, đối với 9 ngân hàng yếu kém cần hợp nhất, sáp nhập, dù chưa đạt được kết quả cuối cùng nhưng tôi cho rằng các phương án mà những ngân hàng này đưa ra đều tích cực và khả quan. NHNN về nguyên tắc đã chấp thuận những phương án trên".

** Về ý kiến cho rằng việc tái cơ cấu ngân hàng khá chậm thì sao, thưa ông?

- Tôi khẳng định tiến độ tái cơ cấu không chậm như suy nghĩ của nhiều người. Xét về góc độ hành chính, mỗi năm thực hiện một nhiệm vụ. Tiến trình tái cơ cấu cũng vậy, các ngân hàng cần thực hiện đúng nội dung, đúng lộ trình. Hiện có rất nhiều ngân hàng cần tái cấu trúc vốn, tuy nhiên nguồn tiền trong nước có hạn. Do vậy, các ngân hàng yếu dù muốn nhanh chóng hợp nhất cũng cần phải tìm ra phương án khả thi nhất, chứ không chỉ vì thời gian mà làm ẩu được.

Đến nay đã có 8 ngân hàng (1 chưa được duyệt) có quyết định tái cơ cấu, việc thực hiện các phương án rất tích cực. Ngoài ra, chúng ta có phương án hợp lý của từng ngân hàng trên cơ sở minh bạch hóa toàn bộ số liệu. Với hiệu quả đạt được, tôi cho rằng tốc độ tái cơ cấu là nhanh chứ không chậm. Tiến trình tái cơ cấu vẫn được triển khai đồng bộ ở tất cả các ngân hàng, kể cả với những ngân hàng không nằm trong diện phải tái cơ cấu, trong đó có cả hình thức M&A.

** Thực tế là nhiều TCTD trông đợi dòng vốn ngoại, vậy quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến đâu, thưa ông?

- Tính đến nay, kết quả tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất khả quan. Chúng ta có đến 13 NHTMCP có vốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Nhìn chung 13 NHTM có cổ phần nước ngoài tham gia đều không nằm trong đối tượng của những ngân hàng yếu kém, nên việc tham gia cổ phần của ngân hàng nước ngoài vào các TCTD  rất hiệu quả.

Để khuyến khích dòng vốn ngoại, NHNN đang đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 30% thay vì chỉ có thể đầu tư tối đa 30% cổ phần một ngân hàng như trước đây. Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ xuất hiện nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nội, ngoại trong việc đầu tư ngắn và dài hạn.

** Muốn M&A, các NHTM phải giải quyết số nợ xấu tốt, nhưng dường như VAMC chưa thể hiện được vai trò của mình?

Tôi nghe rất nhiều thắc mắc đại loại như VAMC vốn chỉ có 500 tỷ đồng khối lượng nợ xấu lớn có xử lý được không? Làm sao sử dụng vốn tái cấp vốn từ NHNN?... Nói thật, Chính phủ đã ban hành rất rõ những chi tiết hoạt động VAMC sẽ làm và được làm những gì.

Do vậy, tôi sẽ không nhắc lại Nghị định này, tôi chỉ nói rõ thêm rằng quy trình hoạt động của công ty 500 tỷ đồng với tư cách pháp nhân và sử dụng trái phiếu đặc biệt. Từ đó, các ngân hàng sử dụng trái phiếu đặc biệt bán cho VAMC rồi đến NHNN thực hiện việc tái cấp vốn.

Mỗi ngân hàng được xử lý bao nhiêu nợ đều có tỷ lệ được xác định trên cơ sở hoạt động từng TCTD, mọi chuyện đều nằm trong kế hoạch kiểm soát của NHNN. NHNN kiên quyết và sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả những giải pháp cứng rắn để có thể lành mạnh hóa hoạt động của các ngân hàng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên