Năm 2013, tỷ giá khó tăng hơn 2%
Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt theo từng thời kỳ, nhưng không để biến động mạnh.
Theo một vị đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá giữa USD và tiền đồng sẽ có thể tăng thêm tối đa 2% trong các tháng còn lại của năm nay nhưng khó vượt qua mức này.
Vị đại diện này đưa ra nhận định này để trả lời thắc mắc liên quan đến việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong khi trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 27/9 nhân chuyến thăm Mỹ đã cho biết Việt Nam sẽ hạ giá tiền đồng thêm 2% so với USD, nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng tỷ giá sẽ ổn định đến hết năm nay.
Theo vị đại diện của NHNN trên, Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt theo từng thời kỳ, nhưng không để biến động mạnh vì sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, mà rõ ràng nhất là hiện tượng người dân, doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, dẫn đến đô la hóa nền kinh tế, đồng thời tỷ giá bất ổn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đưa ra kế hoạch kinh doanh.
Ông này cho rằng ở phía cung, nguồn thu từ kiều hối, cán cân thanh toán thặng dư và dự trữ ngoại hối vẫn ở mức cao sẽ là lực đỡ tốt cho tỷ giá trong các tháng cuối năm.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cầu ngoại tệ cho đến thời điểm này không hề tăng lên, cho dù đã vào mùa doanh nghiệp cần nhập hàng bán cuối năm. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ ở các ngân hàng hiện đang dồi dào và những yếu tố tác động của các năm trước như doanh nghiệp vay đô la Mỹ chuyển thành tiền đồng để kinh doanh, sau đó tìm mua đô la Mỹ để trả nợ cũng không còn.
Ông Hải cho biết lý do là đối tượng được vay ngoại tệ đã bị hạn chế. Thị trường ngoại tệ tự do cũng đã thu hẹp nhiều. Những yếu tố này đang hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá.
Ngoài ra, vàng cũng không còn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường ngoại hối khi nhu cầu mua vàng của dân chúng không còn lớn và NHNN cũng tích cực đấu thầu vàng nhằm tạo thêm nguồn cung và ổn định thị trường vàng.
“Nếu tỷ giá tăng thêm 2%, tôi cho rằng mức biến động này vẫn nằm trong cam kết 'tỷ giá sẽ không biến động quá 2-3%' và hoàn toàn phù hợp với thông điệp 'tỷ giá sẽ ổn định chứ không cố định' của Thống đốc NHNN vào đầu năm nay. Theo tôi, với cầu ngoại tệ còn yếu, tỷ giá nhiều khả năng sẽ biến động trong khoảng 1% trong quí 4/2013 nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu trong bối cảnh các đồng tiền trong khu vực rớt giá mạnh trong vài tháng gần đây sau khi Fed công bố ý định sẽ giảm nới lỏng định lượng”, ông Hải nói.
Báo cáo mới nhất của Standard Chartered toàn cầu về khu vực Đông Nam Á cũng tỏ ra lạc quan khi tỷ giá hối đoái đã tương đối ổn định kể từ đầu năm 2012. Theo báo cáo này, khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và thị trường tự do đã không chênh lệch đáng kể trong thời gian dài, cùng với lãi suất huy động USD của các ngân hàng hiện nay thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động tiền đồng khiến hiện tượng tích trữ ngoại tệ giảm.
Ngoài ra, nhu cầu USD trong khu vực chính thức của nền kinh tế đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây giúp tỷ giá ổn định. Đồng thời Standard Chartered cho rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện khoảng 30 tỉ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì nhận định rằng thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định trong những tháng cuối năm 2013 do cung và cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm vẫn ổn định, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng khá.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 10/2013, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng đưa ra dự báo tỷ giá đến cuối năm sẽ ở mức 21.250 đồng/USD, nếu so với tỷ giá liên ngân hàng hiện tại, thì mức này cũng tương đương 1%.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới chỉ được điều chỉnh một lần duy nhất trong gần 2 năm trở lại đây, vào ngày 28/6 vừa qua. Mức điều chỉnh là 1%, từ mức 20.828 đồng/USD, lên 21.036 đồng/USD./.