Tái cơ cấu đầu tư công chậm do tư duy và lợi ích người trong cuộc?
VOV.VN-Theo TS. Phạm Chi Lan, tái cơ cấu đầu tư công diễn ra chậm chạp có nguyên nhân rất cốt lõi từ tư duy và lợi ích của chính những người trong cuộc.
Tại Hội thảo “Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh” sáng nay (24/11) do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chủ trì, các chuyên gia kinh tế “mổ xẻ” nguyên nhân tái cơ cấu đầu tư công còn chậm, và nêu nhiều giải pháp xử lý vấn đề.
Tái cơ cấu đầu tư công còn chậm chạp
Nhìn lại thực tế mấy năm qua, khi nước ta thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá: Thực tế, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm xuống dưới 40% từ năm 2007 đến 2012, song lại quay về mức trên dưới 40% năm 2013-2014. Trong suốt giai đoạn 1995-2012, tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN trong tổng vốn đầu tư công liên tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 40%. Tuy nhiên, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN đã giảm mạnh xuống dưới 20% từ năm 2014 và có thể cả trong năm 2015 do phải ưu tiên chi thường xuyên và chi trả nợ.
Tái cơ cấu đầu tư công diễn ra còn chậm (Ảnh minh họa: KT) |
Phân tích cơ cấu đầu tư công theo lĩnh vực, ông Ánh chỉ ra rằng: Đặc điểm nổi bật cơ cấu đầu tư công theo ngành giai đoạn 2000-2013 là tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng công trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đầu tư cao vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp và xuất hiện xu thế phân tán đầu tư công sang nhiều lĩnh vực khác. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư công không rõ ràng và không phản ánh sự thay đổi nào thật sự về vai trò của Nhà nước nói chung và đầu tư công nói riêng trong phát triển…
Về nguyên nhân trực tiếp khiến cho tái cơ cấu đầu tư công thu được kết quả hạn chế, hơn nữa không có thay đổi căn bản, theo TS. Vũ Đình Ánh, là do tái cơ cấu đầu tư công không gắn với thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Sau 5 năm mà đổi mới thể chế hầu như vẫn dậm chân tại chỗ và ước mong “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển” vẫn chỉ là mong ước.
Tuy nhiên, TS. Phạm Chi Lan cho rằng, nguyên nhân mà ông Ánh chỉ ra đúng nhưng chưa đủ và chưa phải là gốc rễ. Bởi theo bà Lan, dư luận xã hội thường cho rằng tái cơ cấu đầu tư công và thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế diễn ra chậm chạp có nguyên nhân rất cốt lõi từ tư duy và lợi ích của chính những người trong cuộc. “Tìm bằng chứng để chứng minh điều mà xã hội nghi ngờ không dễ, nhưng cũng không thể bỏ qua điều đó”(!).
Bà Lan bình luận: “Chủ trương tái cơ cấu đầu tư công xuất phát từ và nhằm giải quyết vấn đề kém hiệu quả trong đầu tư công và thiếu nguồn lực cho đầu tư công, hơn là xuất phát từ chủ trương đổi mới vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Hơn nữa, Quyết định 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, vẫn nhấn mạnh chỉ tiêu bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30-40% GDP và duy trì tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 35-40% tổng đầu tư xã hội, có nghĩa là nhà nước vẫn muốn duy trì tỷ trọng đầu tư công rất cao, vai trò của đầu tư công rất lớn trong nền kinh tế.
7 quan điểm chiến lược
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thay đổi vai trò của Nhà nước cho phù hợp với nền kinh tế thị trường là tiền đề để tái cơ cấu đầu tư công và ngược lại, tái cơ cấu đầu tư công cũng góp phần tích cực thúc đẩy thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.
Nhà nước cần dũng cảm thay đổi vai trò của mình
“Với trọng trách dẫn dắt sự phát triển của đất nước, nhà nước cần dũng cảm thay đổi vai trò của mình, tập trung thực hiện vai trò kiến tạo sự phát triển, nhường lại cho thị trường và xã hội vai trò đầu tư thương mại và sẵn sàng để xã hội chung tay thực hiện một phần các dự án phục vụ mục đích công cộng, như hầu hết các nước trên thế giới đã và đang làm. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, nếu không tái cơ cấu đầu tư công sẽ không có phương hướng và đích để đi đến” - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận.
Hai là, ưu tiên đầu tư công theo trật tự cơ sở hạ tầng công (giao thông, điện, nước) và dịch vụ công (giáo dục, y tế, khoa học công nghệ), đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất đầu tư công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp (công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, xây dựng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú, tài chính tín dụng, bảo hiểm,…).
Ba là, cơ cấu lại đầu tư công gắn kết với cơ cấu lại, đổi mới sắp xếp khu vực DNNN theo hướng giảm tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước trong các ngành sản xuất kinh doanh trực tiếp.
Bốn là, cơ cấu lại đầu tư công phải liên hệ mật thiết với quá trình cải cách hành chính, xã hội hoá và thị trường hoá trong các lĩnh vực dịch vụ công như giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, một số dịch vụ quản lý hành chính, văn hoá, thể thao,...
Năm là, cơ cấu lại đầu tư công trong tổng thể xây dựng và thực hiện chiến lược hợp tác công tư (PPP) trong đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng.
Sáu là, cơ cấu lại đầu tư công theo ngành đi trước, làm cơ sở để cơ cấu lại đầu tư công trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Bảy là, cơ cấu lại đầu tư công theo ngành cần dựa trên nguyên tắc đa dạng hóa các nguồn lực tài chính phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội dựa trên: 100% vốn đầu tư ngân sách nhà nước; 100% vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước (vay ODA, tín dụng nhà nước, TPCP, DNNN); 100% vốn ngoài ngân sách nhà nước (doanh nghiệp trong nước, FDI từ vốn tự có và vay tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp); hỗn hợp các nguồn vốn trên./.