Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

VOV.VN - Tính đến hết ngày 10/5, đã có 23/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Sáng 28/5, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm chủ đề  "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng".

Sau gần 1 năm thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản.

Tính đến hết ngày 10/5/2014, đã có 23/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án (hoặc Kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Buổi tọa đàm tái  cơ ngành Nông nghiệp gắn với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế


Theo các đại biểu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao thu nhập của người nông dân được xem là định hướng phát triển nền nông nghiệp Việt Nam giai đoạn tới. Tuy nhiên, tái cơ cấu bằng cách nào, chuyển đổi sang cây gì, con gì lại không đơn giản. Trong bối cảnh, nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường xuất khẩu, đòi hỏi sản xuất quy mô lớn hơn, hàng hóa có chất lượng cao hơn, độ đồng đều của sản phẩm tốt hơn.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ cho rằng: tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, coi đây là một trong những nội dung có tính quyết định của việc thực hiện tái cơ cấu ngành. Theo ông, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phải chuyển đổi cơ cấu đầu tư chứ nếu chuyển đổi cơ cấu sản xuất chỉ là khẩu hiệu cũng không giải quyết được vấn đề. Nhà nước chỉ làm 2 việc, một là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hai là giao những đề tài nghiên cứu cơ bản và những đề tài cấp nhà nước, còn lại để cho các doanh nghiệp làm chủ, chịu trách nhiệm về việc chuyển giao khoa học công nghệ.

Về các giải pháp trong Đề án, các đại biểu kiến nghị, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tập trung triển khai 2 giải pháp trọng tâm là xây dựng kế hoạch chiến lược sản phẩm và tích tụ ruộng đất. Từ đó, các địa phương có cơ sở lập quy hoạch sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường...

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nêu ý kiến: Tích tụ độ đất hợp lý. Theo tôi 10.000.000 hộ nông dân hiện nay nếu mà tích tụ lại chỉ còn lại từ 1.000.000 đến 2.000.000 triệu hộ nông dân. Số còn lại từ 8 đến 9 triệu hộ nông dân chuyển sang việc khác. Cho nên chính sách để tích tụ độ đất là hộ nhỏ biến thành hộ lớn, cộng thêm doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp chế biến cũng thu hút được một số hộ nông dân…. Nếu chúng ta không tích tụ, chúng ta sẽ không cơ giới hóa, hiện đại hóa và KHCN không vào sẽ không cạnh tranh được./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên