Tái cơ cấu nông nghiệp phải là yêu cầu bức thiết của cả nước
VOV.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu bức thiết đối với cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Sáng 27/9, Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thuỷ lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL và kế hoạch liên kết phát triển bền vững vùng Đồng Tháp Mười. Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
So với hội nghị sơ kết 2 năm diễn ra vào tháng 6/2015, báo cáo lần này của Bộ NN&PTNT cho thấy, sau 3 năm thực hiện, tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL đã có kết quả rõ nét hơn. Tất cả các tỉnh thành trong khu vực đều đã xây dựng, phê duyệt đề án hoặc kế hoạch thực hiện.
Hội nghị tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch tại Đồng Tháp. |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Tăng trưởng ngành nông nghiệp cả nước và của vùng ĐBSCL chưa vững chắc.
Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu tới nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt; sự chuyển biến về nhận thức còn chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng, vướng mắc trong ban hành chính sách. Phác thảo về 3 nông sản chủ lực có lợi thế của khu vực trước đây là lúa gạo, thủy sản và trái cây thì nay đã phải đảo ngược thứ tự ưu tiên là thủy sản, trái cây và lúa gạo.
“Phát triển lúa gạo trong điều kiện biến đổi khí hậu cần giới hạn ở quy mô phù hợp. Cần thay đổi phương thức canh tác trong đó tập trung cả về giống, cơ giới hóa, tập trung đưa tiến bộ khoa học vào và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam theo hướng tăng giá trị”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu bức thiết đối với cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Trong đó, những mô hình về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hiện đại mà các địa phương đang thực hiện trong thời gian qua chính là những điển hình cần nhân rộng.
Phó Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh nhiều vấn đề còn phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ như làm thế nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong bối cảnh đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL phải tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh cách thức triển khai thực hiện, thay đổi quy hoạch thủy lợi, cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp.
Thủ tướng: Cà Mau phải tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ hơn
“Hiện Chính phủ đã chỉ đạo rà soát để hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Trên nền tảng này, Bộ NN&PTNT cần có chủ trì hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp. Suy cho cùng, sản xuất nông nghiệp mà tính theo tài nguyên nước thì Việt Nam thực chất có 3 vùng: Vùng nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Đề nghị Bộ NN&PTNT cần có sớm hoàn thiện quy hoạch sản xuất cho cả vùng nhưng gắn sát với từng tiểu vùng”, Phó Thủ tướng định hướng.
Dịp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh thành ĐBSCL cũng đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp tiểu vùng Đồng Tháp Mười của 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Đây là liên kết tiểu vùng mở đầu, có giá trị tham khảo cho việc xây dựng liên kết vùng ĐBSCL trong phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới./.