Tái đàn chậm, nguy cơ nguồn cung thịt lợn sẽ giảm dịp Tết
VOV.VN - Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ gia tăng. Người tiêu dùng lo ngại giá thịt lợn sẽ tăng vì ảnh hưởng bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn heo chưa phục hồi so với trước khi dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì đến cuối năm nay, tổng đàn heo của cả nước sẽ bằng lúc trước dịch bệnh. Vậy thực tế này như thế nào?
Người chăn nuôi ngại tái đàn vì lo dịch bệnh tái phát
Những năm không xảy ra dịch bệnh, vào thời điểm này, tại các xã Gia Tân 2, Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai người chăn nuôi khá bận rộn với việc chuẩn bị lứa lợn cho đợt Tết. Còn hiện tại, ở đây nhiều chuồng trại bỏ trống. Người chăn nuôi khá thận trọng việc tái đàn vì lo dịch bệnh tái phát và giá con giống cao.
3 tháng nay, trang trại nuôi lợn của anh Trần Minh Đức ở xã Gia Tân 3 vẫn trống không. Các ô chuồng lợn đã xuống cấp, sắt hoen rỉ, mạng nhện giăng kín. Anh Đức cho biết, trong đợt dịch tả lợn châu Phi năm ngoái, toàn bộ đàn lợn hơn 200 con đến ngày xuất chuồng chết sạch, giờ anh Đức không dám tái đàn, vì sợ dịch bùng phát trở lại.
Còn anh Đinh Văn Vui, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc có 700 con lợn, đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019, thiệt hại hơn 4 tỷ đồng. Hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang rình rập và giá lợn hơi xuất chuồng thấp nên anh chỉ duy trì khoảng 100 con lợn thịt và dịp Tết này lượng lợn xuất chuồng chỉ bằng 1/6 năm tết năm ngoái.
“Giá lợn hơi bây giờ đã giảm trở lại, giá xấp xỉ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Giờ mua lợn giống theo giá lúc trước 3,3-3,5 triệu đồng/con nuôi sẽ lỗ, nuôi giỏi mới được. Nếu mua 100 con lợn giống nuôi, chết 5-6 con thì mất hết mấy chục triệu, không có lời, nông dân chẳng mặn mà việc nuôi heo trở lại” - anh Vui chia sẻ.
Nguy cơ giá lợn hơi vẫn sẽ ở mức cao thời gian tới
Đó cũng là tình trạng chung của nhiều hộ chăn nuôi tại huyện Thống Nhất, nơi tập trung chăn nuôi lợn lớn nhất của Đồng Nai. Việc tái đàn rất ít, chưa phục hồi trở lại như trước khi dịch bệnh. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, đàn lợn ở đây giảm rất mạnh, hiện chỉ còn lại 170.000 con, bằng 31% so với thời điểm trước dịch. Số trang trại nuôi lợn cũng chỉ bằng 52% so với thời điểm trước dịch.
Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thống Nhất cho biết: Việc tái đàn lợn trên địa bàn rất chậm vì dịch tả lợn châu Phi vẫn còn đe dọa, nhiều hộ chăn nuôi có tâm lý e dè, không dám đầu tư. Bên cạnh đó, đàn lợn nái giảm quá sâu và giá lợn giống đắt đỏ. Với tốc độ tái đàn rất chậm như hiện nay thì nguồn cung thịt lợn vào dịp Tết Tân Sửu sẽ giảm, rất khó để đáp ứng đủ yêu cầu người tiêu dùng. Lúc đó, giá thịt lợn không còn như ở thời điểm hiện tại 75.000 đồng/kg mà có thể sẽ cao hơn.
“Những hộ nuôi lợn đã bị dịch bệnh giờ không dám tái đàn, đàn nái giảm quá sâu. Trên địa bàn giờ đàn nái giờ chỉ còn 9.200 lợn nái, chỉ còn bằng 1/4 so với tổng đàn nái trước khi dịch bệnh. Người dân không có lợn con để nuôi, có lúc giá lợn con lên đến 3 triệu đồng/con” - ông Tùng nói.
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi -Thú y tỉnh Đồng Nai, dịch tả lợn châu Phi đã gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lợn hơi của tỉnh này. Đến nay toàn tỉnh có tổng cộng khoảng 2,3 triệu con heo. Người chăn nuôi Đồng Nai đã chuẩn bị nguồn lợn để cung cấp cho dịp Tết Tân Sửu, tuy nhiên dự báo nguồn cung sẽ giảm.
“Theo số liệu chúng tôi số lợn hơi có giảm. Cụ thể, tháng 11/2020, nguồn cung cấp lợn hơi giảm 30% so với tháng 11/2019. Người chăn nuôi Đồng Nai đã chuẩn bị nguồn lợn để cung cấp cho dịp Tết Tân Sửu, tuy nhiên nguồn cung số lượng sẽ giảm hơn nhiều” - ông Giang cho biết.
Không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh thành Đông Nam bộ, như Bình Dương, Bà Rịa –Vũng Tàu… tổng đàn lợn vẫn chưa thể phục hồi như trước khi dịch bệnh. Chính vì vậy, số lượng lợn hơi cung cấp về TPHCM cũng giảm.
Theo Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, lượng lợn hơi về chợ giảm từ 1.200-1.500 con/ngày so với trước khi dịch bệnh. Một số công ty kinh doanh và chế biến thịt lợn ở TPHCM cũng cho hay số lượng lợn ở các tỉnh Đông Nam bộ cũng chưa thể bằng so với trước khi dịch bệnh.
Để tăng nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết, nhiều doanh nghiệp đang tăng cường nhập khẩu thịt lợn đông lạnh và lợn hơi, cũng nhằm góp phần hạ nhiệt giá thịt lợn, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Để tạo nguồn cung ổn định và phát triển chăn nuôi bền vững, các bộ, ngành chức năng cần có giải pháp phòng chống, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả hơn và phát triển đàn lợn giống năng suất, chất lượng, góp phần kéo giảm giá thành chăn nuôi. Khi đó, người chăn nuôi mới có thể an tâm tái đàn./.