Tái định cư dự án thủy lợi nghìn tỷ tại Đắk Lắk: Vẫn chậm hạ tầng, chưa thuận lòng dân
VOV.VN - Thủy lợi Krông Pách thượng, tỉnh Đắk Lắk là dự án lớn, vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, nhưng vướng phải rất nhiều bất cập nên qua 12 năm triển khai, vẫn có không ít ách tắc, đặc biệt là công tác di dân, tái định cư. Trong khi đó, cao điểm mùa mưa với nhiều nguy hiểm tiềm tàng, đang đến gần.
Ông Vàng Seo Pao là một trong những hộ đầu tiên ở vùng lòng hồ Krông Pách thượng, xã Cư San, huyện M’Đrắk chuyển đến khu tái định cư số 1, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Ông Pao được bầu làm Thôn phó lâm thời trong thời gian chờ thành lập thôn chính thức. Ông cho biết, thời gian đầu, số lượng hộ dân đến khu tái định cư nhiều, nhưng nay người đến rất ít, mỗi tuần chỉ 1-2 hộ. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc bố trí đất sản xuất cho bà con. Một số hộ mới chỉ được bố trí đất ở, chưa được bố trí đất sản xuất. Một số hộ đã được bố trí đất sản xuất nhưng chưa đủ theo phương án tỉnh đã phê duyệt. Trong khi đó, có hộ được bố trí đất thì lại có người địa phương đến tranh chấp dẫn đến không dám canh tác.
Ông Vàng Seo Pao lo rằng, tình trạng này sẽ gây khó cho công tác di dân thời gian tới: “Một số vào đây, nhà đã chuyển nhưng ruộng không có mà làm, đất màu cũng chưa thấy đâu vào đâu. Bây giờ còn chưa giải phóng mặt bằng, chưa san ủi mặt bằng. Nhiều người bảo bây giờ phải đề nghị Ban dự án tỉnh khẩn trưởng san ủi mặt bằng để vụ sau có đất mà làm, chứ như thế này không biết sống kiểu gì. Ban dự án tỉnh làm việc như thế nào chứ, việc nhỏ chưa làm được thì còn 500 hộ kia giải quyết như thế nào?”
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cư Elang huyện Ea Kar cho biết, tính đến ngày 19/8, xã đã tiếp nhận 130 hộ dân, khoảng 600 nhân khẩu ở xã Cư San, huyện M’Đrắk chuyển đến khu tái định cư số 1. Hiện tại, nổi lên một số trường hợp người địa phương vào tranh chấp đất với các hộ tái định cư. Dù xã đã cùng với các phòng ban của huyện vào cuộc, khẳng định người tranh chấp là sai theo các quy định của pháp luật. Các trường hợp tranh chấp dây dưa, đã được chuyển sang cơ quan công an xử lý, cố gắng không để ảnh hưởng đến việc tái định cư của người dân.
“Đã rất nhiều lần tuyên truyền, vận động, giải thích, mời về UBND xã làm việc, không có cơ sở pháp lý gì để họ cho là đất của họ, nhưng họ lại cố tình. Hồ sơ thì chúng tôi đang hoàn thiện và đủ cơ sở pháp lý để chuyển cho Công an huyện xử lý theo quy định pháp luật. Họ ra tranh chấp thì ảnh hưởng đến tư tưởng của bà con đến. Chúng tôi cũng kịp thời trấn an bà con, động viên bà con là đất được giao thì bà con cứ làm, còn chúng tôi sẽ bảo vệ và cam kết đảm bảo an ninh trật tự và cùng với bà con tháo gỡ những khó khăn”, ông Trần Văn Thanh cho biết.
Ngoài khu định cư số 1, tỉnh Đắk Lắk còn bố trí khu tái định cư số 2 cho người dân vùng lòng hồ Krông Pak thượng, tại xã Cư Bông, huyện Ea Kar. Tuy nhiên, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar, Khu tái định số 2, vẫn chưa thể tiếp nhận người dân vì đang chờ giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Về nguyên nhân chậm trễ tái định cư, đại diện chủ đầu tư, ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban quản lý Dự án xây dựng công trình nông nghiệp và giao thông Đắk Lắk cho biết, khu tái định cư số 1 và số 2 trước đây giao cho UBND huyện Ea Kar (chủ đầu tư cũ) thực hiện. Quá trình triển khai trước đây có những bất cập, sai sót khiến cho đơn vị tiếp quản rất khó thực hiện. Tại khu tái định cư số 1, bản đồ địa chính khu vực cánh đồng màu 22 hecta và phần mở rộng 110 hecta đã được UBND huyện Ea Kar thực hiện công tác đo đạc địa chính nhưng đến nay toàn bộ file bản đồ gốc đã bị thất lạc, dẫn đến không đủ cơ sở để chỉnh lý bản đồ và xuất trích lục, ảnh hưởng lớn đến giải phóng mặt bằng. Để có cơ sở thực hiện, cần phải thực hiện lại công tác đo đạc địa chính. Đối với khu tái định cư số 2 hiện đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực đất ở. Còn đất sản xuất, mới chỉ ở giai đoạn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Ông Phạm Văn Hạ cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt, các ngành, các cấp đang nỗ lực vào cuộc với quyết tâm đến cuối năm nay sẽ cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ và tái định cư cho hơn 700 hộ dân, khoảng 4.000 nhân khẩu.
“Cuối năm thì mùa chắc chắn sẽ ngập lụt và chúng tôi sẽ có biện pháp khắc phục tình trạng này. Hiện nay, quan trọng nhất là di dời dân, các hộ ở mực nước thấp, ví dụ cao trình 486m trở xuống khi ngập lụt là người dân không bị ảnh hưởng. Người dân ở dưới cao trình đấy đã được di dời hết. Chúng tôi xác định thời gian không được kéo dài, đảm bảo cho người dân đã chờ đợi cả 10 năm nay rồi, người ta càng về sớm khu tái định cư thì càng đỡ vất vả, cuộc sống càng sớm ổn định”, ông Hạ thông tin.
Sau 12 năm chờ đợi, dự án thủy lợi nghìn tỷ Krông Pách thượng đã được khơi thông, người dân đã bắt đầu đồng thuận và chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, công tác tái định cư hiện nay lại đang gặp một số vướng mắc về mặt bằng và đất sản xuất. Để người dân yên tâm đến nơi ở mới và ổn định cuộc sống, các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk cần sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện nay. Sự quyết liệt cần phải được cụ thể hóa bằng hành động và xuyên suốt từ cấp tỉnh tới cấp huyện, xã, có như vậy mới thuyết phục, tạo đồng thuận của người dân./.