Tài xế Grab ở TPHCM mong muốn được điều chỉnh giảm giá cước
VOV.VN - Hôm nay (10/12), một số tài xế Grab ở TPHCM tiếp tục đình công, mong muốn Grab điều chỉnh giá cước giảm, trở về mức trước như khi thực hiện Nghị định 126.
Sau làn sóng phản đối việc tăng giá cước và chiết khấu khi Nghị định 126 của Chính phủ quy định thuế VAT tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ, áp dụng từ ngày 5/12/2020, ngày 8/12, Grab đã đưa ra chương trình hoàn tiền 5% giá trị mỗi cuốc xe tại Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, áp dụng cho tất cả các dịch vụ xe hai bánh của hãng. Lý do đưa ra là hãng hỗ trợ tài xế xe hai bánh hoạt động mùa lạnh, mưa rét.
TPHCM không nằm trong danh sách được hỗ trợ hoàn tiền cuốc xe lần này. Các tài xế của ứng dụng gọi xe Grab cũng không cần được hỗ trợ bằng những chương trình có thời hạn tương tự như thế, mà yêu cầu Grab điều chỉnh giá cước giảm, trở về mức trước khi thực hiện Nghị định 126. Ông Tôn Thọ Hoà, tài xế GrabBike tại quận 1 căng thẳng vì mấy ngày nay lượng khách đi xe giảm, chiết khấu nộp về cho hãng tăng, thu nhập của tài xế giảm rõ rệt.
“Bây giờ tôi chỉ mong công ty hạ giá thấp xuống như lúc ban đầu, chiết khấu 20% như cũ thì tài xế mới chạy được. Còn khuyến mại hay không là chuyện của hãng với khách hàng, tài xế không biết được”, ông Hòa nói.
Ông Trần Văn Ơn (ở quận 3) đang chạy GrabTaxi cũng chia sẻ, đây là công việc chính nên để đảm bảo thu nhập ổn định, sống được thì ông mong muốn Grab Việt Nam ổn định giá cước. Được như vậy thì lượng khách đặt xe nhiều, số cuốc xe trong ngày và thu nhập của tài xế cũng tăng theo. Ông cũng như nhiều tài xế khác không cần những chương trình ngắn hạn như hỗ trợ điểm thưởng hay hoàn tiền có thời hạn của hãng.
“Tôi chạy không quan trọng điểm thưởng mà chỉ mong giá cước ổn định hơn, từ đó, phụ thu vào những lịch trình chạy xe của tôi cũng sẽ tốt hơn”, ông Trần Văn Ơn chia sẻ.
Trước những đề nghị của tài xế đưa giá cước trở lại như trước khi thực hiện Nghị định 126, ông Lê Quang Kiệt, Giám đốc Truyền thông Công ty TNHH Grab Việt Nam cho biết, trước mắt hãng sẽ theo dõi trên hệ thống, sau đó mới có thể đưa ra điều chỉnh về giá cước, nhằm bảo đảm cân bằng quyền lợi cho tài xế và khách hàng.
"Grab đứng ở giữa nên sẽ có sự điều chỉnh dần dần và phù hợp bằng cách theo dõi trên hệ thống để từ đó cân bằng lợi ích cả hai bên, không thể tăng quá cao cho hành khách, cũng không thể giảm xuống quá thấp, phải để cả 2 bên đều thấy quyền lợi của mình", ông Lê Quang Kiệt cho hay.
Một bộ phận lớn tài xế hiện nay vẫn tắt ứng dụng, chờ phía Grab công khai đầy đủ thông tin về giá cước và cách tính chiết khấu mới để có sự đồng thuận giữa các bên. Mặc dù Grab khẳng định: thuế VAT theo Nghị định 126 là gián tiếp thu của khách hàng thông qua tài xế nhưng thực tế, quyền lợi của tài xế đang bị giảm bởi các loại thuế, phí "thu hộ" này./.