Tái xuất khẩu gạo, doanh nghiệp và nông dân Tiền Giang phấn khởi

VOV.VN - Được tin Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo trong tháng 4 năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và nông dân ở tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi.

Tỉnh Tiền Giang hiện có 4 doanh nghiệp chuyên kinh doanh gạo xuất khẩu có quy mô lớn của vùng ĐBSCL. Hiện nay, lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp có trên 50.000 tấn, cùng với lượng gạo lớn từ chợ đầu mối lúa gạo Bà Đắc (huyện Cái Bè) trên 70 doanh nghiệp xay xát, lau bóng gạo và trong Cụm Công nghiệp An Thạnh có trên 29 doanh nghiệp có kho với sức chứa trên 45.000 tấn. Đây là nguồn cung dồi dào, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa cũng như xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 của tỉnh Tiền Giang, hiện đang thu hoạch gần 60.000ha, năng suất bình quân đạt khoảng 7 tấn/ha. Do đó, hay tin Chính phủ cho xuất khẩu lại trong tháng 4, doanh nghiệp và nông dân tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi.

Các kho dự trữ đầy  lúa gạo tại huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Ông Võ Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt, tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu cho biết, chủ trương tái xuất khẩu gạo trong tháng 4 này là hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải quyết lượng gạo tồn kho cũng như lượng hàng còn nằm tại cảng.

“Chính phủ cho xuất khẩu lại tôi cho là hợp lý, lý do là vùng ĐBSCL đang vô mùa vụ chính lúa Đông Xuân. Tuy có hạn mặn nhưng lúa được mùa được giá, người nông dân và doanh nghiệp rất phấn khởi. Giá gạo lên là do giá ở thế giới lên, đây là cơ hội cho doanh nghiệp - nông dân  bán được giá tốt. Tôi thấy nên cho xuất khẩu lại, có kiểm soát nhẹ là hợp lý”, ông Hưng nói.

Ở thời điểm này, giá lúa gạo ở Tiền Giang chưa biến động nhiều so với tháng trước. Giá gạo IR50404 giá ở mức 9.700 đồng/kg, gạo chất lượng cao giá từ 10.500 đồng đến 10.800 đồng/kg; riêng giá lúa ổn định. So với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa gạo tại tỉnh Tiền Giang tăng khoảng 20%, với mức giá này nông dân có lãi trên 30%./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên