Tạm ngưng xuất khẩu gạo, doanh nghiệp đồng thuận
VOV.VN - Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo vẫn triển khai thu mua theo hợp đồng và để giải quyết “đầu ra” cho nông dân, giá gạo đã giảm từ 100 - 200 đồng/kg.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ 0 giờ ngày 24/3, Hải quan các địa phương tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức. Chủ trương nhằm đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia của Chính phủ được đa số doanh nghiệp và người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, các bộ ngành và chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL cần có “tiếng nói chung”, đánh giá đúng thực tế lúa gạo của vựa lúa miền Tây, từ đó tham mưu cho Chính phủ ban hành thời hạn tạm dừng xuất khẩu gạo cho phù hợp, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và người nông dân.
Các nhà máy xay xát, lau bóng gạo ở vùng ĐBSCL vẫn hoạt động bình thường. |
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Việt Hưng ở huyện Cái Bè, (tỉnh Tiền Giang) ký hợp đồng xuất khẩu 55.000 tấn gạo. Qua đó, doanh nghiệp thu mua được 35.000 tấn, xuất khẩu được 20.000 tấn, còn tiếp tục thu mua thêm 20.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, trong tình hình hạn hán, dịch bệnh như hiện nay, ông nhất trí cao với chủ trương của Thủ tướng tạm dừng xuất khẩu gạo và chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá lại trữ lượng lúa gạo vùng ĐBSCL để có quyết sách hợp lý về vấn đề này.
“Chủ trương tạm hoãn để đánh giá lại là cần thiết. Hiện giá lúa gạo ngày nào giá cũng lên. Bây giờ giá lúa gạo đứng lại chờ Chính phủ “bật đèn xanh” là giá lên tiếp. Theo tôi thấy giải quyết vấn đề đầu tiên là giải phóng ngay hàng tồn đọng trên cảng. Thứ hai, tạm dừng xuất khẩu thời gian ngắn hơn để đánh giá lại sản lượng lúa gạo” - ông Đôn cho biết.
Hiện việc xuất khẩu gạo đang tạm dừng, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính thành lập đoàn kiểm tra để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm rà soát nguồn cung và thực hiện dự trữ, lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng báo cáo Thủ tướng quyết định trước ngày 28/3.
Thương lái vùng ĐBSCL đi mua lúa của nông dân. |
Tại ĐBSCL, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo vẫn triển khai thu mua tạm trữ theo hợp đồng và để giải quyết “đầu ra” cho nông dân. Giá gạo nói chung những ngày qua giảm từ 100 - 200 đồng/kg, giá lúa vẫn ổn định. Do vụ lúa Đông Xuân năng suất cao, giá thành sản xuất giảm nên sau khi thu hoạch nông dân lãi khoảng 40%.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cho rằng, vấn đề tham mưu cho Chính phủ ban hành lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo hay thời gian tái xuất khẩu gạo tới đây của các bộ ngành Trung ương cần bám sát con số sản lượng thực tế thu hoạch và lượng tích trữ của nông dân và doanh nghiệp.
“Hôm nay, giá gạo của Việt Nam đuổi theo sát phía Thái Lan, đây là điều đáng mừng. Chủ trương về an ninh lương thực là hợp lý” - ông Võ Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nêu ý kiến.
Lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo đối với doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo nội địa cũng bị ảnh hưởng nhẹ. Tuy nhiên, đây là chủ trương lớn, có ảnh hưởng đến cuộc sống của đại bộ phận người dân nên các doanh nghiệp đồng thuận.
Ông Võ Quốc Định, chủ doanh nghiệp Đại Hưng, tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Tôi làm hàng nội địa, xuất khẩu ngưng thì mua bán chậm lại thôi, không nhiều. Tôi thấy ngưng xuất khẩu là hợp lý. Hôm nay, gạo giảm mấy trăm đồng/kg, lúa chưa giảm. Tôi vẫn mua bình thường, mua theo thị trường, giảm giá thì mua giảm nhưng bán ra hơi chậm”.
Từ ngày 24/3 đến nay, khi có chủ trương tạm ngưng xuất khẩu gạo, thị trường lúa gạo chưa biến động nhiều. Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và người nông dân vẫn có lãi khá. Hiện nay, các bộ ngành và chính quyền các địa phương vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo đang thống kê, khảo sát, nắm chính xác nguồn lúa gạo hiện có. Từ những số liệu cụ thể tình hình lúa gạo để tham mưu cho Chính phủ chủ trương về xuất khẩu gạo phù hợp với tình hình hạn mặn và dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp./.
Hai kịch bản về an ninh lương thực, xuất khẩu gạo trong dịch Covid-19