Tăng 5% giá điện, EVN tăng thu 7.000 tỷ đồng

(VOV)- EVN cho rằng việc điều chỉnh giá điện lần này để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá bán than, giá khí...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ ngày 22/12, giá bán điện sẽ tăng thêm 68 đồng/kWh (5%), đưa mức bình quân mỗi kWh điện lên 1.437 đồng. Tập đoàn cho rằng việc điều chỉnh giá điện lần này để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá bán than, giá khí, quyết toán sản lượng vượt tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá điện.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo chiều nay của EVN về điều chỉnh giá điện. Dự kiến, việc tăng giá điện 5% sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,72%.

Theo EVN, với mức tăng bình quân 5%, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang có mức tăng từ 66 đồng đến 115 đồng/kWh tùy mỗi bậc.

Riêng mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50kWh dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 933 đồng/kWh.

Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100kWh/tháng tăng chi 6.600đ/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 11.000 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 38.200 đồng/tháng.

EVN cho rằng, việc điều chỉnh giá điện lần này không tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm hiện nay là, EVN công bố năm nay kinh doanh có lãi  3.500 – 4.000 tỷ đồng, nhưng thay vì giảm giá hoặc giữ nguyên giá thì EVN lại bất ngờ tăng giá bán điện trong bối cảnh hiện nay. Về vấn đề này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, mặc dù có lãi, song khoản lỗ của EVN năm 2010 và 2011 là 11.000 tỷ. Việc tăng giá lần này nhằm bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá bán than, giá khí, quyết toán sản lượng vượt tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá điện.

Ông Đinh Quang Tri nói: “Dự kiến đợt tăng giá 5% này tăng thu khoảng 7.000 tỷ trước hết là bù cho chi phí giá than tăng 900 tỷ và 3.800 tỷ chênh lệch giá tăng lên do vượt khí bao tiêu và  3.000 tỷ chênh lệch tỷ giá trong tổng số 26.000 tỷ đồng. Đây chỉ là con số khiêm tốn so với số nợ. Nhìn góc độ tổng thể kinh tế, EVN là người đi mua điện của các nhà máy điện là chính và bán lại cho dân. Bản thân EVN không thể bù đắp được nếu mua giá cao bán giá thấp và hậu quả xảy ra là không bù được lỗ. Và nếu ép các nhà máy thủy điện giá thấp thì họ sẽ k thể đầu tư thêm các nhà máy mới nữa và nguy cơ thiếu điện”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên