Tăng cường đầu tư và khai thác hiệu quả hạ tầng cảng biển
VOV.VN - Phát triển hệ thống cảng biển, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách chủ động, hiệu quả.
Nhận rõ tầm quan trọng của việc đầu tư khai thác hiệu quả hạ tầng cảng biển, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế, chính sách đột phá, nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông cả nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách chủ động, hiệu quả.
Triển khai Quyết định 886/QĐ-TTg của Chính phủ, Bộ Giao thông tích cực nghiên cứu cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực tổ chức thực hiện, phát triển hệ thống cảng biển phát triển, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông cả nước, từ đó khai thác một cách có hiệu quả và đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải phân tích rõ, về bài toán kinh tế từ việc gia tăng hàng hóa xuất nhập khẩu.
“Đầu tư hệ thống cảng cạn kết nối hệ thống cảng biển đồng bộ hàng hóa xuất khẩu sẽ được xử lý thông quan sớm. Đồng thời, với hệ thống cảng biển đầu tư theo quy hoạch hiện nay, chúng ta sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển đồng bộ, phát huy năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu lớn. Từ đó, hệ thống cảng biển của chúng ta sẽ có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới”, ông Chung đề cập.
Đáng chú ý, về hạ tầng, Bộ GTVT sẽ huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thu hút DN vận tải. Hỗ trợ, kiến tạo cho việc hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các DN vận tải của các chuyên ngành để cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics liên hoàn và hình thành những DN lớn về logistics.
Là 1 DN lớn tham gia vào đầu tư hạ tầng cảng biển và phát triển dịch vụ logistics, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) phân tích từ thực tế DN.
“Hiện nay Tổng công ty đang thực hiện các dự án lớn như đầu tư xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ, Liên Chiểu,... phát triển các mạng lưới dịch vụ logistics, phát triển các cảng cạn ICD. Thực tế cảng trung chuyển đã tạo thêm nhiều dịch vụ vận chuyển hàng hóa, thay vì đi đường bộ thì đi đường sông, ven biển. DN có tuyến đi Vĩnh Phúc - Hải Phòng, đi tàu vào thẳng Cần Thơ chở hàng hóa cho các DN như Toyota, Honda... với chi phí rẻ rất kinh tế”, ông Tĩnh cho biết.
Ngoài việc tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, để khai thác các lợi thế của vận tải thủy, việc xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các cảng đầu mối cần được chú trọng, tạo thành hệ thống dịch vụ cảng liên thông, đồng bộ.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa lấy ví dụ, tuyến mẫu cụ thể từ Bắc Ninh đến cảng Hải Phòng có rất nhiều hàng hóa đi qua tuyến này. Hiện nay, cơ chế thành công là vốn đầu tư công là vốn mồi, dẫn dắt đầu tư tư, từ đó thu hút các DN đầu tư cảng bến, thuận tiện cho đầu tư để chuyên chở hàng hóa từ các KCN ra bến cảng thuận tiện, chi phí rẻ hơn.
Giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển là tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng suất lao động, tăng cường kết nối và năng lực khai thác hạ tầng cảng và dịch vụ sau cảng, phát huy các lợi thế của từng phương thức, nhất là hạ tầng cảng biển, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế.