Tăng giá cước 3G chủ yếu nhằm vào người giàu
VOV.VN -Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Giá cước 3G chỉ bằng 50% giá thành. Tăng gói cước này chủ yếu nhằm vào những người dùng smart phone.
Chiều nay (20/11), trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc “Các nhà mạng ăng giá cước 3G có phải để bù giảm doanh thu trong khi chất lượng không có gì cải thiện, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son đã khẳng định như vậy.
Bộ trưởng khẳng định: Việc điều chỉnh cước 3G tạo nên sức nóng, dư luận quan tâm. Thị trường viễn thông Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Giá cước từ khi phát triển đến nay hầu như không tăng, các năm đều giảm. Thời gian qua, chúng ta có tăng giá cước viễn thông. Đây là chủ trương chung của Nhà nước, phù hợp qui định hiện hành và các cam kết quốc tế. “Chúng ta không thể bán dưới giá thành” – Bộ trưởng khẳng định.
Các dịch vụ 3G khi mới ra đời bao giờ cũng theo qui luật chung là: mới đầu, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái. Thời kỳ đầu tiên các nhà mạng phải giảm giá để thu hút thuê bao, sau đó tăng giá dần lên. Thế nhưng chúng ta giảm giá quá lâu.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng đã ký quyết định số 32 để qui hoạch thị trường viễn thông đến 2020. Trong quyết định này có yêu cầu phải từng bước nâng giá viễn thông để đảm bảo bằng và trên giá thành theo đúng qui định của pháp luật.
Trong giai đoạn vừa qua, giá cước viễn thông của ta so với giá thế giới thấp hơn rất nhiều lần. Cụ thể, thấp hơn so với khối ASEAN là 34,9 lần và thấp hơn thế giới từ 34-57%. Chúng ta chỉ bán chưa đầy 50% giá thành dù đã nâng giá.
Các nhà mạng đến tháng 9 vừa qua có trên 90 triệu thuê bao, trong đó chỉ có 19 triệu thuê bao dùng 3G. Trong cước 3G chỉ nâng gói 3G data (truyền số liệu, internet).
Trong hơn 1 tháng tăng cước, Viettel báo cáo phần data tăng doanh thu 20%.
Bộ trưởng khẳng định, tăng giá cước 3G là việc bình thường trong cơ chế thị trường đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Tăng giá cước 3G còn có yếu tố xã hội nữa là tất cả các nhà mạng này đều là của Nhà nước. Tăng giá cước cũng là đóng góp cho đất nước. Các DN viễn thông hiện cũng là nhóm DN đóng góp nhiều cho đất nước. Năm 2012 VNPT đóng góp 7.300 tỷ đồng, Viettel là 11.300 tỷ…
Bộ trưởng cho rằng, người tiêu dùng cũng cần chia sẻ với các nhà mạng vì tất cả hạ tầng viễn thông, thiết bị nhập ở nước ngoài tới 80%. Chúng ta dùng dịch vụ Internet thì nhà mạng phải thanh toán quốc tế. Nhà mạng không thể thanh toán giá cao bán giá thấp, vì thế phải chia sẻ nhà mạng để từng bước theo giá thị trường.
Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, việc tăng giá cước là đánh vào người thu nhập cao, dùng smart phone.
Việc tăng giá cước này có ảnh hưởng tới OTT không? Bộ trưởng cho rằng, OTT đang lợi dụng mạng viễn thông của ta để kinh doanh dịch vụ. Nhà nước không có chủ trương ngăn cản OTT. Người dân vẫn dùng OTT để gọi quốc tế, nội hạt và gửi data.
Chúng ta chấp nhận đây là sự phát triển mới của khoa học kỹ thuật, cũng như một thời kỳ chúng ta chấp nhận giá dịch vụ điện thoại di động ngày càng phát triển thì giá dịch vụ, thị phần của điện thoại cố định ngày một mất đi. Chúng ta chấp nhận cuộc chơi để từng bước quản lý.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TTTT đang xây dựng văn bản để quản lý OTT vào Việt Nam, để các nhà kinh doanh OTT cùng chia sẻ với hạ tầng mạng của Việt Nam, chia sẻ thu nhập với các nhà mạng viễn thông.
“Việc tăng cước này không phải chỉ vì OTT mà theo lộ trình, luật. OTT làm giảm thu nhập của nhà mạng năm 2012 là khoảng 20 tỷ USD, vì thế OTT phải có trách nhiệm với các nhà mạng và trách nhiệm với xã hội trong thời gian tới” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi khi nào Việt Nam có dịch vụ 4G, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Đến 2015, sẽ ứng dụng 4G vào Việt Nam. Bộ TTTT đã cấp phép cho 1 số DN thử nghiệm dịch vụ này. Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư làm 3G khoảng 2 tỷ USD nhưng với số thuê bao hiện tại thì chưa đủ thu hồi vốn./.