Tăng giá trị DN Thương hiệu quốc gia trong dịch Covid-19

Tăng giá trị DN Thương hiệu quốc gia trong dịch Covid-19

VOV.VN - Các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia vừa tự tháo gỡ khó khăn vẫn chung tay cùng cộng đồng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia (THQG) không chỉ đang nỗ lực, chủ động tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chính mình, mà còn thể hiện, khẳng định vai trò của doanh nghiệp THQG luôn chung tay cùng cộng đồng vượt qua khó khăn, góp phần nâng cao giá trị Thương hiệu Việt Nam.

Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ghi nhận, trong thời kỳ khó khăn này, vai trò, giá trị của doanh nghiệp THQG càng được thể hiện rõ nét với những hoạt động, đóng góp ấn tượng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 60% số doanh nghiệp THQG triển khai các hoạt động có ý nghĩa, thiết thực cùng với số tiền ủng hộ hơn 80 tỷ đồng cho các hoạt động chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Nhiều thương hiệu lớn thuộc lĩnh vực ngân hàng, hàng không, công nghiệp nặng, sản xuất và chế biến thực phẩm đã có những hoạt động thiết thực hỗ trợ chung tay cùng cộng đồng phòng chống đại dịch Covid-19. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp THQG đã thành công trong việc đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có uy tín trên thị trường quốc tế

thqg_igyr.jpg
Chất lượng, đổi mới sáng tạo, năng lực tiên phong là ba tiêu chí chính để trở thành thương hiệu quốc gia. Ảnh: Thương trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận xét, dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, lan rộng trên toàn thế giới, tác động tiêu cực trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã triển khai các hình thức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đạt THQG phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh, như quảng bá trên các phương tiện truyền thông số và qua các phóng sự, bài viết đăng tải trên báo chí, truyền hình.

Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các DN, sản phẩm đạt THQG trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế và tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực, nhằm nâng cao vị thế và giá trị của THQG cũng như hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận với khách hàng và người tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia hạn chế đi lại, Bộ Công Thương cũng triển khai các hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình nhằm hỗ trợ DN. Cụ thể là phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế như Cơ quan Xúc tiến Phát triển Ngoại thương Tứ Xuyên (CCPIT Tứ Xuyên), Sở Thương mại Quảng Tây, Sở Thương mại Chiết Giang (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị giao thương Quốc tế trực tuyến, nhằm kết nối với các khách hàng tiềm năng, trao đổi trực tiếp với các khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử, tạo cơ sở quan trọng ban đầu để doanh nghiệp tiếp nối các giao dịch tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tăng cường các hoạt động kết nối DN với các nhà phân phối lớn trong nước vừa hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn trong công tác sản xuất hàng hóa xuất khẩu, vừa cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp cụ thể, hỗ trợ DN trong công tác xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước. Tổ chức triển khai các hoạt động XTTM bền vững như hướng dẫn các DN thực hiện quản lý chất lượng hàng hóa xuất khẩu, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế để kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới.

Thực hiện các hoạt động tư vấn và hỗ trợ DN nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường; thiết kế bao bì, sản phẩm và hệ thống nhận diện thương hiệu; xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tích cực phối hợp với các ngành hàng, các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, các thương hiệu ngành hàng và sản phẩm được lựa chọn.

Xây dựng các sản phẩm truyền thông, nhằm giúp tăng cường nhận biết các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam trên thị trường quốc tế để sớm có cơ hội tiếp cận đến khách hàng, người tiêu dùng quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử, các sự kiện xúc tiến thương mại, các sự kiện ngoại giao, văn hóa ở nước ngoài sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

“Các biện pháp trên một mặt hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, tăng cường giao dịch thương mại trong nước, giúp doanh nghiệp củng cố, gia tăng sức mạnh thương hiệu sản phẩm, tạo đà xuất khẩu sau khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi, mặt khác giúp đề cao vai trò của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhất là trong giai đoạn khó khăn này”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên