Tăng lương tối thiểu vùng: Nỗi lo thất nghiệp sẽ gia tăng
VOV.VN - Lộ trình tăng lương tối thiểu phải tính đến việc đảm bảo duy trì sự tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp.
Hôm nay (6/8), Hội đồng lương Quốc gia gồm Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ họp về tiền lương tối thiểu. Trước đó, hội đồng này đã họp nhưng không đưa ra được phương án cuối cùng do không thống nhất ở nhiều điểm.
Doanh nghiệp “nhịn” lãi để trả lương
Đồng tình với việc cần thiết phải nâng lương cho người lao động tại các DN, nhưng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ băn khoăn, bởi: “Mấy năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, nếu chỉ tính bài toán lỗ lãi đơn thuần thì nhiều doanh nhân đã đóng cửa nhà máy để bảo toàn vốn, để cắt lỗ. Nhưng họ đã không làm như vậy, mà ngược lại đã âm thầm chịu lỗ để duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, để đóng góp vào tăng trưởng”.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vừa phải trải qua những thử thách nghiệt ngã và mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Mấy năm qua, mỗi năm có trên 60% doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, có nghĩa là họ đang lỗ hoặc cùng lắm là hòa vốn. Và điều này cũng có nghĩa là khoản đầu tư của phần lớn các chủ doanh nghiệp đã không được “trả lương”.Và trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình tuy có “sáng” hơn, nhưng vẫn có hơn 33.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải thể và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.
Thực trạng này cho thấy tình hình các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên. Thêm vào đó, nhiều chi phí như vận tải, xăng dầu, điện nước,… đang đồng loạt tăng giá đè nặng lên vai doanh nghiệp, việc đa dạng hóa thị trường để giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc sau sự kiện biển Đông cũng đang phát sinh nhiều chi phí, và cần phải có thời gian…
Chính vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, lộ trình tăng lương tối thiểu phải tính đến việc đảm bảo duy trì sự tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp. Nếu không, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng và chúng ta không có khả năng tạo thêm các cơ hội việc làm mới cho một nền kinh tế có lực lượng lao động trong độ tuổi lao động lớn như Việt Nam và mỗi năm có nhu cầu tạo thêm 1,7 đến 2 triệu việc làm để bảo đảm ổn định xã hội.
Nhà đầu tư sẽ cân nhắc
Theo Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chi phí thủ tục hành chính còn cao, việc nóng vội tăng lương tối thiểu có thể làm các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc nhiều hơn quyết định đầu tư vào Việt Nam, thậm chí sẽ chuyển sang các nước có môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, và như thế sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng việc làm được tạo ra.
Tăng lương tối thiểu với quy mô vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế, thì sẽ có khả năng giảm đáng kể số lượng việc làm được tạo ra. Hiện nay số lao động trong doanh nghiệp có bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 7,5 đến 8 triệu người, trong đó số người có thu nhập xoay quanh mức lương tối thiểu chỉ khoảng ba triệu, nhưng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam lên tới 55 - 56 triệu người.
Vì thế cùng với việc nâng cao lương tối thiểu, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động đang có việc làm, thì cũng không được làm mất cơ hội được gia nhập vào đội ngũ lao động trong các ngành công nghiệp của một phần không nhỏ trong số gần 50 triệu người hiện còn đang làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc nông nghiệp với năng suất thấp.
Do vậy ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần cân nhắc sao cho tăng lương không làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục khuyến khích và thúc đấy đầu tư trong và ngoài nước, để có thể nhắm tới mục tiêu dài hạn là kinh tế phát triển mạnh, tạo việc làm nhiều hơn, qua đó có điều kiện tăng lương từ thực lực doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, phương án điều chỉnh lương tối thiểu năm 2015 tăng tối đa chỉ khoảng 14,0% so với năm 2014. Và tùy thuộc vào tình hình kinh tế, mức độ tăng giá tiêu dùng và tốc độ tăng năng suất lao động nếu trong các năm 2016, 2017, 2018 chúng ta tăng bình quân khoảng 15%/năm thì đến 2018 mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.
“Mức 14% đủ bù cho 5% dự kiến cho mức tăng của giá cả sinh hoạt (CPI), 3% cho mức tăng năng suất và 6% để rút ngắn khoảng cách giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Nếu theo phương án này, sau khi loại trừ yếu tố giá, thì mức tăng lương tối thiểu năm 2015 đã đạt gấp ba lần mức tăng năng suất (9% so với 3%)” – ông Lộc đưa ra tính toán của VCCI.
Cùng với đó, phải làm sao để việc tăng tiền lương phải trên cơ sở tăng năng suất lao động và hiệu quả, để việc tăng tiền lương diễn ra đồng thời với việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm mới đàng hoàng cho người dân và cho nền kinh tế.
Và, việc nghiên cứu và khảo sát định lượng về mức sống tối thiểu ở Việt Nam cũng cần được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp và có cơ sở hơn./.