Tăng thuế VAT: Thiệt thòi sẽ thuộc về ai?
VOV.VN - Đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% có thể sẽ khiến người dân nghèo gặp khó khăn, đồng thời kéo theo sốt giá, tăng lạm phát...
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT lên 12% từ năm 2019 (Ảnh minh hoạ: KT) |
Đề xuất tăng thuế VAT: Nguy cơ thị trường lên “cơn sốt” tăng giá
Trên báo Tuổi trẻ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam) nhận định, đề xuất tăng thuế suất VAT của Bộ Tài chính tác động toàn diện đến hơn 90 triệu người Việt Nam, từ thanh niên, người già đến trẻ nhỏ nên cần phải cân nhắc rất thận trọng.
Khác với thuế thu nhập cá nhân, chỉ những người có thu nhập chịu thuế và đạt ngưỡng nhất định mới chịu thuế, với thuế VAT thì mọi người dân Việt Nam, bất kể độ tuổi, giới tính và thu nhập, hằng ngày hằng giờ đều phải chịu thuế.
Thuế VAT được xem là một sắc thuế khá thành công của Việt Nam nhìn ở khía cạnh tạo nguồn thu cho ngân sách, ông Tuấn đánh giá.
Cách đây hơn một thập niên, thuế VAT chỉ chiếm 26% tổng thu thuế, 21% tổng thu ngân sách nhà nước và các khoản viện trợ, tương đương 5,6% GDP. Đến năm 2016, tổng số thuế VAT đã chiếm 33% tổng thu thuế, 24% tổng thu ngân sách nhà nước và các khoản viện trợ, tương đương 5,8% GDP.
Xây dựng một đề án cải cách thuế đòi hỏi cần phải có khuôn khổ đánh giá một cách toàn diện và thấu đáo nhiều vấn đề, trong đó cần tập trung vào ba khía cạnh: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi trong quản lý, ông Tuấn nêu quan điểm.
Trên báo Dân trí, nhiều chuyên gia cho rằng, tăng thuế VAT trong hoàn cảnh nào cũng sẽ có nhiều tác động tiêu cực tới cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, người có thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright, cần thận trọng với quyết định tăng thuế VAT. Lý do đầu tiên được vị chuyên gia chỉ ra rằng, thuế VAT nhìn chung có tính "lũy thoái", do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn.
"Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn, do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng", ông Vũ Thành Tự Anh lưu ý.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, cũng cho rằng: "VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hoá, đương nhiên sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời tác động ngược trở lại doanh nghiệp, làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi".
Chuyên gia này nhấn mạnh, việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng thu ngân sách mà lại dễ thực hiện nhất bởi "cứ có hóa đơn bán hàng là thu", nhưng cần cân nhắc bởi không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu./. Tăng thuế VAT 12%: Dễ thu nhưng coi chừng tác động ngược