Tăng trưởng công nghiệp và thương mại đều rất thấp
VOV.VN - Mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn còn thấp hơn so với mức tăng 9,4% của 5 tháng năm 2015 so với năm 2014.
Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 1/5, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,7% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn mức tăng 11,5% của cùng kỳ năm 2015 so với năm 2014. Mặc dù tình hình sản xuất công nghiệp trong 5 tháng qua tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn còn thấp hơn so với mức tăng 9,4% của 5 tháng năm 2015 so với năm 2014.
Bộ Công Thương dự báo trong những tháng tới sản xuất công nghiệp sẽ tăng cao. (Ảnh minh họa: KT) |
Chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng tăng thấp hơn so với mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm 2015 so với năm 2014. Nguyên nhân do sản xuất của một số ngành tăng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ như: sản xuất thiết bị điện, sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất; sản xuất da và các sản phẩm liên quan...
Sản xuất của các ngành giảm chủ yếu do tình hình tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng thấp hơn 3,5 điểm phần trăm so với mức tăng của 4 tháng năm 2015 so với năm 2014.
Bộ Công Thương dự báo trong những tháng tới sản xuất công nghiệp sẽ tăng cao hơn do giá dầu thô đang có dấu hiệu hồi phục là tín hiệu để thúc đẩy khai thác trở lại. Một số ngành hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giầy dép bắt đầu vào vụ sản phẩm để chuẩn bị cho các đơn hàng vào quý III, IV.
Nhu cầu ô tô sản xuất trong nước tiếp tục tăng trưởng ở mức cao (tính riêng 5 tháng đầu năm tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ năm 2015). Dự án Alumin Nhân cơ dự kiến chạy thử và vận hành thương mại vào tháng 9/2016. Một số mặt hàng như bia, rượu, nước giải khát, thiết bị điện tử, đồ điện dân dụng, điện lạnh đang trong dịp hè tiêu thụ tăng, kéo theo sản xuất tăng.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, trong những tháng tới, nếu giá dầu thô phục hồi, kéo theo sự tăng giá các nguyên nhiên vật liệu đầu vào thì sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể khó khăn hơn do chi phí đầu vào tăng, tuy nhiên, ngành khai thác có thể hồi phục.
Vì vậy, tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong những tháng tới có tăng nhưng sẽ không tăng cao, để đạt được kế hoạch đề ra chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9-10% toàn ngành phải rất nỗ lực mới đạt được.
Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước tăng nhẹ so với tháng 4, 5 tháng đầu năm, nhóm hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu tăng trưởng khá (10,1%) so với cùng kỳ, một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ đạo tăng cả về trị giá và lượng,
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khoảng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản xuất khẩu có mức giảm sâu (giảm 42,4%) là yếu tố chính góp phần khiến cho kim ngạch của cả nước tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái.
Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm: sản phẩm gỗ, điện thoại các loại và linh kiện…
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt khoảng 37,9% kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ giao. Nhập khẩu của cả nước giảm 573 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI giảm 771 triệu USD.
Bộ Công Thương cho biết, cán cân thương mại hiện đang có thặng dư bằng khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên với việc nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ xây dựng các cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất còn cao, dự báo trong năm 2016, Việt Nam tiếp tục nhập siêu với mức nhập siêu nằm trong kiểm soát (dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu)./.