Tăng trưởng GDP 5,98% - kết quả từ đà cải cách mạnh mẽ
VOV.VN - Đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, trải qua nhiều biến động.
Năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, song tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn tăng 5,98%, vượt trên nhiều dự báo của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế. Đây có thể nói là thành công lớn nhất trong việc ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2014.
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam để có cái nhìn toàn diện hơn xung quanh con số tăng trưởng này.
PV: Thưa ông, năm 2014 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP 5,98%. Theo ông những yếu tố nào làm nên mức tăng trưởng này?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Theo tôi, mức tăng trưởng như thế là vượt ra ngoài dự đoán của nhiều người, thậm chí là của Chính phủ. Nhìn về tổng quát chúng ta thấy một số điểm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Ổn định kinh tế vĩ mô giúp niềm tin đầu tư khôi phục. Khu vực doanh nghiệp đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) năm nay rất mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nền kinh tế. Ví dụ như tập đoàn Samsung có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Đầu tư rất lớn, triển khai nhanh và đóng góp lớn vào tăng trưởng. Riêng Tập đoàn Samsung đóng góp tới 20% kim ngạch xuất khẩu.
PV: Một điểm đáng chú ý trong năm 2014 là nông nghiệp đã có những tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức kỷ lục với 31 tỷ USD. Đây có phải là một trong những yếu tố góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Và nếu những năm tiếp theo, Việt Nam tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, điều chỉnh cơ chế chính sách kịp thời, thì mức tăng trưởng sẽ còn mạnh hơn?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Riêng số lượng xuất khẩu tăng cao trong năm qua đã là bằng chứng nói lên bước tiến của nông nghiệp. Nhưng cũng nên lưu ý, xưa nay ta vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, vậy nên bên cạnh con số về kim ngạch cần chú trọng đến cơ cấu và chất lượng xuất khẩu.
Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã có quyết sách rất mạnh thúc đẩy nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao, phát triển được doanh nghiệp trong nông nghiệp. Chuyển nông nghiệp sang công nghệ cao đảm bảo được hiệu quả. Xưa nay nông nghiệp của ta mới dựa vào sản lượng, chưa chú trọng chất lượng, giờ chuyển sang công nghệ cao thì bảo đảm hiệu quả cao hơn.
Năm 2014 cho thấy chúng ta đã có những thử nghiệm thành công. Chẳng hạn như khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ mới, chất lượng nâng cao, giá trị xuất khẩu cũng cao hơn. Thứ hai là ưu tiên phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, đảm bảo nông nghiệp kết nối thị trường tốt hơn, chuyển giao công nghệ và có nguồn lực bên ngoài đưa vào nông nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế mới là định hướng chính sách. Tôi tin rằng trong giai đoạn tới, tái cơ cấu nông nghiệp sẽ đẩy mạnh theo hướng đó, nông nghiệp sẽ phát triển mạnh, thoát khỏi nguy cơ nền nông nghiêp gia công.
PV: Nhìn lại mức tăng trưởng GDP năm 2014 đạt 5,98%, có thể thấy đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh trong nước còn nhiều khó khăn, kinh tế thế giới cũng trải qua nhiều biến động. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay được đánh giá như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Mấy năm trước, đồ thị tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng đi xuống, còn các nước thì phục hồi đi lên. Nhưng năm nay thể hiện rõ xu hướng phục hồi. Đường đồ thị tăng trưởng được xác lập lại khá rõ ràng. So với tương quan các nước trong khu vực, ta đảo ngược được xu hướng sụt giảm tốc độ tăng trưởng của mấy năm qua.
Tuy nhiên, vấn đề là ở một số nước mà trình độ phát triển đã cao rồi, để tăng trưởng thêm 1% cũng là khó. Có thể họ tăng trưởng thấp, chỉ 3-4%, nhưng nền kinh tế vẫn phát triển hơn và bền vững hơn ta. Còn ta tăng trưởng GDP 5-6%, nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Chưa có gì đảm bảo tăng trưởng cao hơn mà tốt hơn họ. Do đó, phải thấy là dù tăng trưởng nhưng kinh tế Việt Nam cũng vẫn còn nhiều khó khăn, từ đó đặt ra mục tiêu để có giải pháp vươn lên được. Tôi tin là với những đà cải cách mạnh mẽ trong năm nay thì năm sau mọi chuyện sẽ tốt hơn.
PV: Nói về cải cách và những quyết sách điều hành kinh tế năm 2014, ông ấn tượng với chính sách cải cách nào và những chính sách của Chính phủ đã phát huy hiệu quả như thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Tôi ấn tượng nhất là câu chuyện cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi vì cải cách này liên quan đến bộ máy nhà nước, dẫn dắt quá trình tái cơ cấu.
Ví dụ rõ nhất là giảm thủ tục về thuế cho doanh nghiệp, chuyển từ trách nhiệm tập thể xuống trách nhiệm cá nhân. Chúng ta cải thiện rõ rệt về số giờ làm thủ tục thuế. Có mấy tháng mà Việt Nam giảm được mấy trăm giờ làm thủ tục thuế, trong khi đó cả 4 năm trước chỉ giảm được 70 giờ.
Chúng ta đặt ra mục tiêu rất ráo riết, rõ ràng, quy về trách nhiệm, chức năng của bộ máy, cá nhân. Tôi cho rằng đó là cách tiếp cận mới mới về cơ chế điều hành, hoạt động của bộ máy quản trị, gắn với trách nhiệm, phục vụ doanh nghiệp, thị trường.
PV: Như vậy, nhìn lại năm 2014 có thể thấy, mặc dù có nhiều dấu ấn tích cực về tăng trưởng kinh tế, nhưng theo ông, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức như thế nào?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Tăng trưởng mặc dù tích cực nhưng cũng chưa đủ bền vững. Điều này liên quan đến sức khỏe của khu vực trong nước. Chúng ta vẫn thấy số doanh nghiệp trong nước bị đóng cửa, ngừng hoạt động trong năm nay vẫn khá cao. Do đó, phải nhìn thấy là khu vực doanh nghiệp trong nước còn yếu kém. Môi trường vĩ mô gắn với lưu thông tiền tệ, lưu thông vốn chưa được cải thiện đầy đủ, nên tăng trưởng vẫn còn chưa vững chắc.
Một điểm nữa nếu nhìn dài hạn, tái cơ cấu tuy có những chuyển động cuối năm tương đối tốt, nhưng kết quả của cả năm nay chưa nhiều, chưa phải là yếu tố giúp cho phục hồi tăng trưởng. Về dài hạn muốn phục hồi tăng trưởng vững chắc, chuyển được sang nhịp tăng trưởng mới thì phải căn cứ vào tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa.
PV: Thưa ông, một vấn đề đang được quan tâm hiện nay là năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần....Theo ông, nếu cải thiện được năng suất lao động, thì sẽ tác động đến GDP như thế nào?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Hiện nay mô hình của chúng ta là dựa vào khai thác tài nguyên, hướng tới sản lượng, chưa hướng tới năng suất, hiệu quả. Nên năng suất tổng hợp yếu, định hướng công nghệ không mạnh.
Cho nên việc thay đổi mô hình tăng trưởng là nhằm giải quyết một phần cơ bản là năng suất năng động. Năng suất lao động của Việt Nam còn cách xa các nước như vậy, nên dư địa để tăng năng suất lao động còn rất cao. Nếu tận dụng được điều này thì Việt Nam có thể có bứt phá rất mạnh.
PV: Có thể thấy là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn đứng trước khá nhiều rào cản. Để khơi thông được những trở lực này thì cần có những giải pháp hay điều chỉnh chính sách như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Nợ công, nợ xấu đang làm yếu khu vực nội địa. Chúng ta cứ nghĩ nợ xấu, nợ công hay tái cơ cấu chỉ làm 1-2 năm là xong nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta cần phải có nhận diện rõ ràng tính nghiêm trọng của những vấn đề cơ cấu nền kinh tế.
Muốn giải quyết triệt để thì phải có cách tiếp cận mang tính bản chất hơn là cải thiện bề mặt. Phải đánh giá đúng các thực chất khó khăn và quản lý nguy cơ và từ đó đưa ra giải pháp mạnh. Tới đây chúng ta sẽ có cam kết hội nhập mạnh chưa từng thấy, cho thấy chúng ta quyết tâm hội nhập.
Những cam kết hội nhập mạnh như vậy, trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, thực lực khu vực trong nước còn yếu thì cần có những giải pháp rất mạnh và triệt để thì mới được. Tất nhiên là rất khó, cam kết càng sâu sắc thì áp lực càng mạnh, cùng với tái cơ cấu đang đặt ra và đẩy mạnh, 2 điểm đó cộng hưởng với nhau sẽ giúp nền kinh tế thay đổi mang tính chất cơ bản và có đột phá.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!./.