Tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm 2022 có thể đạt 7,2%
VOV.VN - Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với TP.HCM sáng nay (27/7), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, nếu không có biến động lớn, GRDP TP.HCM năm 2022 sẽ đạt từ 7- 7,2%.
Theo ông Phan Văn Mãi, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của TP.HCM tăng 3,82%, trong đó tăng trưởng quý 2 gấp 3 lần quý 1. Các chỉ số phát triển 7 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 12,2%, tổng thu ngân sách đạt 73,2% dự toán năm và tăng 20% so với cùng kỳ… Các chương trình phục hồi, bình ổn thị trường được thành phố chủ động triển khai, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, đã khởi động nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng.
Về nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định: “Thành phố tập trung các giải pháp quyết tâm thực hiện đạt được 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội từ đầu năm HĐND đã thông qua. Và kiên trì là sẽ cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu là 6 - 6,5%. Khi sơ kết 6 tháng, chúng tôi có phân tích các yếu tố, nếu như từ đây đến cuối năm không có biến động lớn thì khả năng là tăng trưởng GRDP của Thành phố sẽ đạt được là 7 - 7,2%”.
Để thực hiện, TP.HCM đề ra các giải pháp như: rà soát tổng thể, bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn lực tạo đà thúc đẩy phát triển thành phố trong giai đoạn tới; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đồng thời với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Thành phố cũng sẽ tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị như: Dự án Vành đai 3, đẩy nhanh tiến độ Metro 1, dự án cao tốc TP.HCM- Mộc Bài, các dự án chống ngập…
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề liên quan đến vướng mắc về cơ chế chính sách và các vướng mắc cụ thể của TP.HCM. Cụ thể, về dự án Vành đai 3, hiện đang triển khai thuận lợi, nhưng để đẩy nhanh tiến độ thì Chính phủ cần sớm ban hành nghị quyết để triển khai ngay trong tháng 7/2022, bố trí vốn… Với đường Vành đai 4 đi qua 5 địa phương, dài 199km, thành phố kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo để các địa phương và Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị, khởi động.
Thành phố cũng kiến nghị các vấn đề về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, nhất là những dự án có đất công xen cài; công tác quản lý quỹ nhà đất, thí điểm bán đấu giá, cho thuê tài sản công… Đặc biệt, ông Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo để thành phố thực hiện về quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM và Dự án đầu tư xây dựng đoạn kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 (TP.Thủ Đức)…
Với dự án Metro 1, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng sớm chấp thuận điều chỉnh thời gian dự án và bố trí đủ vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Tuyến Metro 1 đã đạt hơn 91%, một số gói thầu đã gần hoàn thành nên đề nghị Thủ tướng chấp thuận cho thành phố tạm ứng kinh phí hoạt động./.