Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể vượt 6,7%
VOV.VN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể vượt kế hoạch đề ra là 6,7%.
Theo số liệu ước tính được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tăng trưởng GDP năm 2018 có triển vọng đạt cao hơn mục tiêu đề ra là 6,7%.
Kinh tế Việt Nam có tốc độ phát triển ổn định trong những năm gần đây. (Ảnh minh họa) |
Báo cáo của KH&ĐT cho biết, quy mô nền kinh tế ước đạt 5,55 triệu tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và 5,5% so với 2017, bội chi ngân sách khoảng 3,67%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP. Giải ngân vốn FDI ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8% so 17,5 tỷ USD năm 2017.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016 - 2018 chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%; thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh ưu tiên.
Cơ cấu đầu tư dịch chuyển theo hướng tích cực, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng cao.
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng và tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vượt mốc kỷ lục của năm 2017, ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Ông Phương nhấn mạnh, một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế - xã hội năm 2018 chính là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu./.