Tập trung bình ổn giá dịp Tết và quý I năm 2011

Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I năm 2011

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính tại địa phương theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, kịp thời trình UBND tỉnh phương án điều hành giá, áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I/2011, không để tăng đột biến về giá tại địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Sở Tài chính các địa phương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ bình ổn giá; việc tuân thủ pháp luật về giá, thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; trong đó chú trọng kiểm tra thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá. Kiên quyết không chấp thuận việc tăng giá không hợp lý đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc diện đăng ký giá. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các Sở tài chính cần phải giãn thời gian điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ Nhà nước còn định giá. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách địa phương; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá theo thẩm quyền.

Chỉ thị nêu rõ các địa phương cần tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; rà soát, ngừng các khoản chi, nội dung không thực sự cấp bách, không thiết thực (liên hoan, tổng kết, hội nghị, đoàn vào, đoàn ra, chi mua sắm tài sản...); rà soát, trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các khoản phí, lệ phí không đúng quy định, không thuộc thẩm quyền địa phương.

Hơn nữa, các Sở Tài chính cũng phải tham mưu, trình UBND tỉnh chủ động cân đối nguồn tài chính của địa phương để thực hiện các biện pháp bình ổn giá; bảo đảm đủ kinh phí chi cho nhiệm vụ an sinh xã hội. Trường hợp địa phương có khó khăn về nguồn vốn, kịp thời báo cáo Bộ Tài chính tăng tiến độ chuyển kinh phí bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Cục trưởng Cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế, phí; kết hợp với kiểm tra thực hiện pháp luật về giá; kiên quyết loại trừ những khoản chi không hợp lý, hợp lệ khi quyết toán thuế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Công an, Tài chính, Quản lý thị trường...) có biện pháp cụ thể và xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế.

Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo, tạo điều kiện thông quan nhanh chóng, đúng quy định cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán; tăng cường lực lượng, phương tiện và phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tăng cường nghiên cứu đánh giá mức độ rủi ro để thực hiện kiểm tra sau thông quan các mặt hàng thiết yếu nhập khẩu từ nước ngoài có giá tăng cao không hợp lý như: sữa, thuốc phòng và chữa bệnh cho người... góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước.

Từ ngày 01/01/2011, trong các báo cáo thường kỳ (ngày, tuần, tháng) của Sở Tài chính các tỉnh gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) theo quy định hiện hành phải bổ sung nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa và việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương, trước hết là đối với các vật tư, nguyên liệu quan trọng; các loại thịt (lợn, gà, bò); cá; rau; củ; quả; gạo (nếp, tẻ); thực phẩm chế biến; bánh mứt kẹo; đường, sữa; hoa quả; thuốc phòng và chữa bệnh cho người; giá cước vận chuyển hành khách; phí tham quan, trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên