Tập trung gỡ thẻ vàng EC, Đà Nẵng tăng cường kiểm soát tàu cá
VOV.VN - Các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như tàu cá xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài, không lắp đặt hoặc không bật thiết bị giám sát hành trình…
Cùng với các địa phương ven biển, thành phố Đà Nẵng đang triển khai đồng loạt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thành phố sẵn sàng các điều kiện chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4 trong thời gian tới.
Đang mùa cao điểm khai thác hải sản, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng những ngày này tấp nập tàu cá cập bến bán cá và hối hả vươn khơi. Lâu nay, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là điểm đến của ngư dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Ngư dân từ khắp nơi, sau những chuyến biển dài ngày cho tàu cập cảng bán cá cho tư thương, rồi chuẩn bị nhiên liệu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm… cho phiên biển kế tiếp.
Ngư dân Tạ Mư, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đi bạn trên tàu cá QNg 98704 cho biết, ngư dân hay đưa tàu vào cập cảng ở Đà Nẵng vì có cửa biển sâu, tàu ra, vào thuận tiện bốc dỡ cũng như bán cá. “Ngư dân chúng tôi đánh bắt trong phạm vi vùng biển nhà nước quy định, tuân thủ theo pháp luật. Ngư dân mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân ra vào cảng trình sổ, bán cá giúp bà con dễ làm ăn”, ngư dân Tạ Mư bày tỏ.
Mỗi ngày, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang tiếp nhận hàng chục lượt tàu cá cập cảng và xuất bến với lượng hải sản khoảng 150 tấn/ngày. Công tác kiểm soát tàu cá cập cảng, giám sát sản lượng qua cảng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... Ông Nguyễn Lại, Trưởng Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, đơn vị tuyên truyền kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của trung ương, thành phố và các sở, ban, ngành về công tác phòng, chống IUU đến từng tàu cá và ngư dân.
“Ngoài nhiệm vụ thường xuyên thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, đơn vị phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng,... đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để bà con ngư dân mua - bán thuỷ sản. Âu thuyền luôn hỗ trợ thối đa, thuận lợi nhất để bà con tiếp cận dịch vụ hậu cần, động viên bà con vươn khơi khai thác, bám biển”, ông Lại cho biết.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 573/598 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, 25 tàu chưa lắp đặt. Trong đó, 17 tàu hiện tạm ngừng hoạt động, 1 tàu bị hoả hoạn chưa khắc phục, 1 tàu bị chìm chưa thực hiện xóa đăng ký, 6 tàu mới mua từ ngoại tỉnh đang làm các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thành phố Đà Nẵng được thành lập gồm đại diện Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 14 trường hợp không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình với tổng số tiền 350 triệu đồng... Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành rà soát, thống kê, báo cáo số liệu thực tế về tàu cá Đà Nẵng đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản tại địa phương và cập nhật 100% số liệu tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia Vnfishbase. Số lượng giấy phép khai thác thủy sản được cấp theo đúng số lượng hạn ngạch khai thác thủy sản đã được giao.
Ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ Sản thành phố Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã cấp 4 xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác và 51 chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu cho 6 lượt doanh nghiệp với tổng khối lượng hơn 730 tấn.
“Trước khi cấp giấy tờ, Chi cục kiểm tra lại hồ sơ doanh nghiệp trình lên. Từ các chuyến biển của các tàu ghi trong hồ sơ, Chi cục truy vết xem các tàu cá đó có bật thiết bị giám sát hành trình hay không, vùng biển khai thác có đúng quy định, có vi phạm vùng biển nước ngoài hay không… Qua kiểm tra, các tàu cá nằm trong hồ sơ theo đúng quy định Chi cục mới cấp chứng nhận”, ông Hải nêu quy trình.
Từ năm 2007 đến nay, không có tàu cá nào của thành phố Đà Nẵng vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng cũng đã tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra qua đó, xử phạt hành chính 43 trường hợp vi phạm quy định trong hoạt động thủy sản với tổng số tiền hơn 940 triệu đồng.
Thời gian tới, các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tàu cá khai thác hải sản trên biển và khi ra vào cảng cá Thọ Quang, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Đặc biệt là những tàu cá vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài, tàu cá không lắp đặt hoặc không bật thiết bị giám sát hành trình. Xử phạt các vi phạm về nhật ký khai thác thủy sản và xuất nhập bến, không có các giấy tờ theo quy định, không chứng thực sổ danh bạ thuyền viên tàu cá tại Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang.
Ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, theo chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố, trong thời gian tới Sở cùng với các ngành, địa phương sẽ chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện các giải pháp. “Sở tập trung chủ yếu vào việc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân hiểu và chấp hành, đồng thời cương quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Hiện nay, Sở đã tham mưu thành phố lấy ý kiến các địa phương 10 tỉnh thành từ Hà Tĩnh - Khánh Hoà tổ chức ký kết quy chế phối hợp về công tác quản lý nghề cá nói chung”, ông Mỹ nêu các biện pháp trong thời gian tới./.