Tàu cá Bình Định ứng dụng nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử
VOV.VN - Ứng dụng nhật ký khai thác sẽ hỗ trợ cho việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản chính xác nhất khi tàu về bờ chỉ cần trích xuất dữ liệu để khai báo thủ tục.
Tỉnh Bình Định hiện có gần 5.800 tàu cá khai thác thủy sản, trong đó gần 3.300 tàu đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm hơn 264.000 tấn, riêng cá ngừ dại đương đạt hơn 10.000 tấn/năm. Đây là ngành thế mạnh của tỉnh Bình Định, nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khiến việc gỡ thẻ vàng gặp nhiều khó khăn.
Khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tỉnh Bình Định còn áp dụng nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử cho tàu cá, xây dựng cơ sở dữ liệu chung nghề cá để phân loại từng ngành nghề, ngư trường khai thác. Qua đó, quản lý tàu cá tốt nhất, thuận lợi nhất hoạt động của các tàu cá.
Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 quy định, tất cả tàu cá dài từ 15m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý trong quá trình khai thác thủy sản trên biển. Đến thời điểm này, tỉnh Bình Định là một trong số ít địa phương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên 100% số tàu cá dài hơn 15m.
Ngư dân Phan Công Việt - Chủ tàu cá ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, ngay từ khi có chủ trương lắp thiết bị giám sát hành trình, ông đã tìm hiểu và lắp đặt cho tàu cá của mình. “Tàu của tôi hiện nay dư thiết bị giám sát hành trình vì tôi tự mua và tự lắp. Thiết bị được kết nối với điện thoại qua phần mềm, bật lên là biết tàu đang ở vị trí nào, hành trình tàu chạy ra sao. Tôi thấy thiết bị này rất hữu ích nên đã tự sắm trước khi được vận động”, ông Việt cho hay.
Sau khi hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tỉnh Bình Định tiếp tục hoàn thiện trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản để thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, ra vào cảng. Hệ thống giám sát này được kết nối với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản và các Chi cục Thủy sản trong cả nước. Ngoài ra, có 1.800 tàu đánh bắt xa bờ được lắp đặt hệ thống giám sát gắn với liên lạc bằng điện thoại. Qua đó, giúp cơ quan chức năng giám sát tàu cá, chống khai thác bất hợp pháp, hỗ trợ phòng chống thiên tai trên biển.
Hiện nay, Sở NN&PTNT Bình Định tiếp tục ứng dụng nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử. Theo đó, tàu đánh bắt xa bờ được trang bị hệ thống có thể khai báo nhật ký điện tử. Khi đến vùng biển, ngư dân chỉ cần ấn vào định vị, hệ thống sẽ tự ghi nhận vị trí, sản lượng và gửi dữ liệu về trạm bờ.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, với nhật ký khai thác này hỗ trợ cho việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản chính xác nhất, khi tàu về bờ chỉ cần trích xuất dữ liệu để khai báo thủ tục.
"Đây là giải pháp khắc phục chống khai thác bất hợp pháp không báo cáo không theo quy định. Để quản lý được đội tàu này, Sở đã đã cùng Tổng cục Thủy sản cung cấp và hoàn thiện hệ thống dữ liệu về nghề cá trên hệ thống VNFISHBASE quản lý được từng đội tàu vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi, xác định được từng loại tàu, từng ngành nghề và từng ngư trường khai thác để có điều kiện quản lý tốt hơn” ông Phúc nói./.