Thái Nguyên đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, sẵn sàng đón đầu các làn sóng đầu tư mới
VOV.VN - Đào tạo nhân lực công nghệ cao đang trở thành chìa khóa để những địa phương như Thái Nguyên đón đầu các làn sóng đầu tư mới, phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Trước năm 2014, giá trị công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên chưa đứng trong top 63 tỉnh thành, nhưng đến năm 2018 đã vươn lên đứng thứ 4 trên cả nước. Ngoài ra Thái Nguyên còn được đánh giá cao trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đạt được kết quả đó một phần là do Thái Nguyên tập trung thực hiện tốt việc đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh Thái Nguyên đã có trên 40.000 lao động nông thôn được tuyển sinh và đào tạo nghề. Số người sau đào tạo có việc làm ổn định và được doanh nghiệp tuyển dụng chiếm trên 82%.
Trong số hơn 40.000 lao động nông thôn được tuyển sinh đào tạo có gần 40% lao động được đào tạo các nghề nông nghiệp, còn lại là phi nông nghiệp, tập trung là lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, trường hợp khuyết tật.
Các nghề được đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp người dân nâng cao năng suất lao động, chọn giống cây phù hợp đặc trưng vùng miền, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, cách chế biến chè. Đối với lĩnh vực kỹ thuật, sau khi học xong các học viên đều tìm được việc làm, một số đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Hải, ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang theo học đào tạo nghề điện cho hay, nhiều công ty nước ngoài đang gia tăng đầu tư vào các khu công nghiệp ở Thái Nguyên, đòi hỏi người lao động phải có tay nghề. Khi người lao động có tay nghề sẽ giúp được bản thân có việc làm, thêm thu nhập để giúp đỡ gia đình thoát nghèo.
“Sau này học xong tôi cũng muốn làm việc tại các công ty ở tỉnh Thái Nguyên và cũng góp phần đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên”, anh Hải nói.
Năm 2014, hoạt động đầu tư nước ngoài FDI cho lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử tại Thái Nguyên đạt gần 7 tỷ USD, với 89 doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển công nghệ thông tin, điện tử. Nhờ đó, đã thúc đẩy các ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Để đón được làn sóng đầu tư, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng công tác phân luồng học sinh trong đào tạo, mở rộng phối hợp doanh nghiệp trong đào tạo nghề, xây dựng nội dung chương trình hướng nghiệp gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương. Tỷ lệ học sinh đi học nghề trong 3 năm qua đã có nhiều bước phát triển. Các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm chú trọng thực hiện công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp.
Hiện nay, tại các huyện, thành phố, thị xã ở tỉnh Thái Nguyên đều có Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và các đơn vị ngoài công lập. Trong năm qua, 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 40.000 người, vượt 6,3% so với kế hoạch, đã tạo việc làm tăng thêm cho gần 25.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 68%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.
Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đã thực sự được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp sát thực tế, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nỗ lực này góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên nằm trong top đầu các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó chỉ số đào tạo lao động đạt điểm số cao nhất.
Ông Ngô Xuân Hoàng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết, thời gian qua nhà trường đã hợp tác chặt chẽ với Công ty Samsung dào tạo các nghề tiếng Hàn, thợ điện, cơ khí.. Tỉnh Thái nguyên cũng cần có chính sách hỗ trợ các trường trong đào tạo nhân lực đáp úng nhu cầu trong thời gian tới.
Đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy tốt công tác đào tạo nghề lên một bước, theo ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Nguyên vẫn cần giải quyết một số vướng mắc.
“Đào tạo nghề tại Thái Nguyên còn một số vướng mắc, đó là trang thiết bị cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề còn thiếu, tiếp nữa là nhận thức của người dân trong học nghề còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng đến quá trình đào tạo. Thêm vào đó là việc đầu tư cơ sở vật chất của nhà nước còn hạn chế”, ông Kiên bày tỏ.
Đào tạo nghề nhân lực công nghệ cao ở Thái Nguyên đang góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn, theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều hộ gia đình có người tham gia học nghề đã có việc làm, thu nhập ổn định, không chỉ thoát nghèo, một số hộ còn làm giàu. Đào tạo nhân lực công nghệ cao đang trở thành chìa khóa để những địa phương như Thái Nguyên đón đầu các làn sóng đầu tư mới, phát triển kinh tế, xã hội bền vững./.