Thanh Hóa: Ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023-2025
VOV.VN - UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Kế hoạch số 225, về việc phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, công nghệ trí tuệ nhân tạo (công nghệ AI), công nghệ chuỗi khối (công nghệ blockchain), công nghệ Internet vạn vật (công nghệ IoT) sẽ hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số tỉnh, phát triển kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị.
Kế hoạch này nhằm phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của Nhân dân; sẵn sàng đáp ứng nhu cầu kết nối, xử lý dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Phát triển hạ tầng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Nâng cao chất lượng mạng 4G, từng bước triển khai mạng 5G. Phổ cập Internet băng rộng, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thúc đẩy chuyển dịch từ dịch vụ viễn thông cơ bản sang dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông….
Ông Đỗ Hữu Quyết, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hoá cho biết, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Thanh Hoá nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, Thanh Hoá đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp, cấp uỷ, chính quyền trong chuyển đổi số.
“Tập trung xây dựng nền tảng số, dữ liệu số, quan tâm đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số; khơi thông dòng chảy, chia sẻ kết nối dữ liệu chuyên ngành các cấp, ngành, địa phương; một vấn đề nữa tôi cho quan trọng là phải nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, hiệu lực, hiệu quả quả lý nhà nước, phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị xã hội, sẽ giúp chúng ta thực hiện thành công chuyển đổi số” - ông Đỗ Hữu Quyết nói.
Đối với hạ tầng công nghệ số, Thanh Hoá phấn đấu đến năm 2025 công nghệ trí tuệ nhân tạo (công nghệ AI), công nghệ chuỗi khối (công nghệ blockchain), công nghệ Internet vạn vật (công nghệ IoT) sẽ hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số tỉnh, phát triển kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị.
Đồng thời, 100% dịch vụ Trung tâm dữ liệu (thuê chỗ đặt máy chủ, thuê máy chủ, thuê lưu trữ) được chuyển sang dịch vụ điện toán đám mây. Hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng IoT được tích hợp, ứng dụng rộng khắp trong các lĩnh vực của nền kinh tế số, xã hội số.