Thanh Hoá "điểm danh" chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp
VOV.VN - Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh Thanh Hoá đạt 46% (cao hơn bình quân cả nước), nhưng nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, dưới 10%. Lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định sẽ xem xét, báo cáo Thường vụ kiểm điểm trách nhiệm.
Tính đến hết tháng 8 năm 2023 giá trị giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Thanh Hoá đạt khoảng 6.800 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch giao chi tiết. Có 62 chủ đầu tư đạt giá trị giải ngân cao hơn mức trung bình, 24 chủ đầu tư thấp hơn.
Đáng chú ý có 4 Ban quản lý dự án đạt thấp là: Ban quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp, đến nay mới giải ngân được 4,3%; Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp 9,7%; Ban quản lý các công trình giao thông 15,2%; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp 30%).
Bên cạnh các ban quản lý cấp tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng đề nghị “điểm danh” chủ đầu tư là các huyện có tỷ lệ giải ngân thấp như: Sầm Sơn, Nghi Sơn, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Mường Lát, Thường Xuân.
Về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các đơn vị đạt thấp, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thanh Hoá cho biết, tỉnh cần giải quyết bài toán nguyên vật liệu: "Làm sao sâu sát chỉ đạo nhanh để đáp ứng yêu cầu vật liệu cho dự án, vì 80% giá trị dự án trong kế hoạch đầu tư công là dự án giao thông nên bài toán giải quyết vật liệu là cơ bản. Giải quyết được cái này thì năm tới mới đẩy nhanh được nếu không vẫn ì ạch".
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng thi công dự án trên địa bàn, đáng chú ý có những dự án lãnh đạo tỉnh trực tiếp ấn định mỏ vật liệu khai thác, đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Thi cho biết, những vướng mắc không liên quan đến quản lý nhà nước.
"Về chỉ đạo của tỉnh đã rất bài bản, khoa học, đầy đủ, phải rà soát lại xem khâu nào, kể cả các quyết định đấu giá đầy đủ pháp lý để sở, ngành thực hiện rồi. Tại sao các tỉnh khác không bị vướng, vậy Thanh Hoá vướng khâu nào? Công tác đầu tư công phải tiếp tục nếu không có giải pháp sẽ không hoàn thành và góp phần tăng trưởng được"./.