Thanh niên nuôi hươu khởi nghiệp, mỗi năm thu nhập gần nửa tỉ đồng

VOV.VN - Tuy mới gắn bó với mô hình nuôi hươu hơn 2 năm, nhưng thành công bước đầu rất khả quan bởi ngay từ năm thứ hai, anh Việt đã có nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Nuôi hươu thương phẩm là mô hình khởi nghiệp mới nhưng đạt hiệu quả cao của anh Nguyễn Hoàng Việt ở ấp Phú Thạnh A, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Mô hình chăn nuôi khá độc đáo này có thể nhân rộng, nhất là đối với thanh niên nông thôn khi bước vào con đường khởi nghiệp.

Mới 31 tuổi, Nguyễn Hoàng Việt hằng ngày rất bận rộn với công việc chăm sóc trang trại 40 con hươu sao và các công việc chế biến ra các sản phẩm từ nhung hươu. Anh Việt cho biết, trước đây làm nhân viên maketing của một công ty sữa tại TP.HCM. Trong chuyến đi công tác ở tỉnh Hà Tĩnh, anh phát hiện mô hình nuôi hươu sao thương phẩm rất độc đáo và có hiệu quả cao nên quyết tâm học hỏi để theo đuổi mô hình chăn nuôi mới lạ này.

Năm 2019, anh Việt xin nghỉ việc tại TP. HCM để về gia đình bắt tay vào khởi nghiệp. Anh không ngần ngại ra trại hươu sao ở Hà Tĩnh xin ở lại trang trại hươu 1 tháng để tìm hiểu và học nghề chăn nuôi. Khi thành thạo các kỹ thuật nuôi, lấy nhung, anh mua 15 con hươu trưởng thành về xây chuồng chăn nuôi tại đất vườn của gia đình.

Nhờ áp dụng tốt các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi qua thực tế và nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, sách báo, đàn hươu của Việt chóng lớn và sau 8 tháng cho thu hoạch nhung; các con hươu cái sau 7 tháng nuôi cũng sinh sản đạt yêu cầu. Đến nay, trại hươu sao của người thanh niên này có 40 con và anh còn cung cấp con giống cho 3 thanh niên khác trong và ngoài địa phương nuôi khoảng 30 con.

Do mô hình nuôi hươu sao rất mới và khan hiếm nên đầu ra hươu giống và nhung hươu rất thuận lợi. Anh Việt bán hươu trưởng thành giá 50 triệu đồng/cặp, hươu con 30 triệu đồng/cặp. Riêng nhung hươu dạng thô anh bán giá 15 triệu đồng/kg. Hiện nay, từ nhung hươu anh đã chế biến ra 4 sản phẩm phục vụ cho ngành Đông y và Tây y như loại dược phẩm, thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe con người gồm nhung hươu ngâm mật ong, cau nhung hươu, rượu nhung hưu và bột nhung hươu. Các sản phẩm này đầu ra rất dễ dàng, anh cung cấp cho các nhà phân phối, các cửa hàng kinh doanh trong khu vực; đồng thời bán hàng online... không bị dội hàng.

Tuy mới gắn bó với mô hình này hơn 2 năm, nhưng thành công bước đầu rất khả quan. Năm 2021, từ chăn nuôi hươu, anh đã có nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng. Theo anh Việt, hươu dễ nuôi hơn một số gia súc khác tại địa phương bởi tập tính ăn tạp, ít bệnh và tiết kiệm diện tích đất và ít tốn công chăm sóc. Trang trại hươu của anh được xây dựng bằng các khung thép khá chắt chắn, chia ra thành nhiều ô nhỏ; mỗi ô có 1 con hươu. Thức ăn cho hươu chủ yếu là các loại cỏ, hoa màu trồng trong 3.000 mét vuông đất vườn, hạn chế cho thức ăn công nghiệp.

“Để mô hình nuôi hươu sao đạt hiệu quả, thứ nhất phải đảm bảo được nguồn thức ăn đầy đủ quanh năm đảm bảo độ tươi và xanh. Thứ hai vấn đề chuồng trại phải xây dựng đúng kỹ thuật, mỗi con hươu xây chuồng tối thiểu là 2x2 mét; Thứ ba là vấn đề về vệ sinh phòng dịch phải sử dụng đệm lót sinh học để chuồng trại khô ráo, sạch sẽ mới ít dịch bệnh. Đặc biệt, giai đoạn hươu lên nhung phải được bồi bổ thức ăn tinh để chất lượng và trọng lượng nhung đạt cao, bán được giá”, anh Nguyễn Hoàng Việt cho biết thêm.

Anh Huỳnh Phú Thái - 1 thanh niên ở xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo đã có quá trình học hỏi kỹ thuật và mua hươu giống của anh Nguyễn Hoàng Việt trở về khởi nghiệp. Anh Thái cho biết, nuôi 1 con hươu sao sẽ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. “Sau 1,5 năm nuôi, hiện tổng đàn hươu của gia đình đã lên đến mười mấy con cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi bò. Chi phí thức ăn, công chăm sóc cũng giảm đi nhưng đầu ra rất ổn định nên có thể gắn bó với mô hình này lâu dài’, anh Thái chia sẻ.

Ở thời điểm này, anh Nguyễn Hoàng Việt là một trong số ít người nuôi hươu thương phẩm ở tỉnh Tiền Giang. Đàn hươu sao của người thanh niên này có số lượng lớn nhất khu vực ĐBSCL và có triển vọng, có thể nhân rộng trong thanh niên để khởi nghiệp.

“Mô hình nuôi hươu lấy nhung của anh Việt rất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên và người dân tại địa phương. Đoàn thanh niên xã Phú Kiết đã tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên đi tham quan để mở rộng mô hình, tạo điều kiện tiếp cận và học hỏi để nhân rộng mô hình này”, Bí thư xã Đoàn Phú Kiết - anh Võ Tấn Hoàng chia sẻ.

Hiện nay, anh Nguyễn Hoàng Việt rất đam mê nghề nuôi hươu và đang làm các thủ tục để thành lập Hợp tác xã hươu sao Tây Nam bộ; đồng thời tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ cho các thanh niên và nông dân địa phương có nhu cầu nuôi hươu để phát triển kinh tế gia đình.

“Định hướng sắp tới của bản thân sẽ xây dựng hợp tác xã làm đầu mối để cung cấp con giống cho bà con địa phương cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đồng thời đẩy mạnh khâu sản xuất, chế biến sâu hơn và xây dựng thương hiệu sản phẩm nhung hươu đến tay người tiêu dùng, từ đó có thể bao tiêu các sản phẩm, bao tiêu con giống, và đầu ra cho nông dân khi liên kết với các hợp tác xã”, anh Nguyễn Hoàng Việt cho biết quyết tâm của mình.

Chăn nuôi hươu thương phẩm của anh Nguyễn Hoàng Việt ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là hướng đi mới, có triển vọng, góp phần làm đa dạng hóa mô hình chăn nuôi gia súc của địa phương và cung cấp sản phẩm nhung hươu có giá trị cho xã hội. Với ý chí ham mê lao động, tin rằng con đường khởi nghiệp của người thanh niên này sẽ thành công và giúp nhiều người khác có nguồn thu nhập, cải thiện và nâng cao cuộc sống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khởi nghiệp từ cây bồn bồn
Khởi nghiệp từ cây bồn bồn

VOV.VN - Một phụ nữ ở Cà Mau với quyết tâm trong khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm xanh từ chính cây bồn bồn là thế mạnh của địa phương mình.

Khởi nghiệp từ cây bồn bồn

Khởi nghiệp từ cây bồn bồn

VOV.VN - Một phụ nữ ở Cà Mau với quyết tâm trong khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm xanh từ chính cây bồn bồn là thế mạnh của địa phương mình.

Nhiều thanh niên Đắk Lắk "đổi đời" từ các mô hình khởi nghiệp
Nhiều thanh niên Đắk Lắk "đổi đời" từ các mô hình khởi nghiệp

VOV.VN - Sau 3 năm nuôi ốc nhồi, anh Huỳnh Ngọc Hội ở thôn 10, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã có được thị trường tiêu thụ ổn định.

Nhiều thanh niên Đắk Lắk "đổi đời" từ các mô hình khởi nghiệp

Nhiều thanh niên Đắk Lắk "đổi đời" từ các mô hình khởi nghiệp

VOV.VN - Sau 3 năm nuôi ốc nhồi, anh Huỳnh Ngọc Hội ở thôn 10, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã có được thị trường tiêu thụ ổn định.

Nuôi con “ăn chìm, ăn nổi”, nữ đoàn viên khởi nghiệp thành công
Nuôi con “ăn chìm, ăn nổi”, nữ đoàn viên khởi nghiệp thành công

VOV.VN - Khoản thu hàng năm từ xuất bán ốc và ếch của nữ đoàn viên dân tộc Tày đạt hơn 100 trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Nuôi con “ăn chìm, ăn nổi”, nữ đoàn viên khởi nghiệp thành công

Nuôi con “ăn chìm, ăn nổi”, nữ đoàn viên khởi nghiệp thành công

VOV.VN - Khoản thu hàng năm từ xuất bán ốc và ếch của nữ đoàn viên dân tộc Tày đạt hơn 100 trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.