Tại hội nghị Sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm nay, vấn đề thanh tra chồng chéo nhận được nhiều quan tâm của Bộ, ngành và địa phương.
Sự việc một doanh nghiệp trong một năm bị hơn chục đoàn thanh tra, kiểm tra với một nội dung đã được đại diện nhiều doanh nghiệp, các Hiệp hội và ngành hàng kiến nghị trực tiếp tới Chính phủ thời gian qua. Trước những bức xúc này, ngay tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra giữa tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kí Chỉ thị số 20 yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Theo đó, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần trong năm đối với doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đây cũng là biện pháp nhằm khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ.
|
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kí Chỉ thị số 20 yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. (Ảnh minh họa/VGP News) |
“Chỉ thị số 20 ngày 17/5/2017, là Chỉ thị được giải quyết ngay tại chỗ sau vài tiếng đồng hồ có cơ quan Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định. Thay vì phản ảnh của doanh nghiệp là có doanh nghiệp trong 1 tháng bị thanh tra 3 lần, có doanh nghiệp bị cơ quan thanh tra 12 lần, hay 11 lần/năm đều có cả” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Thực tế cho thấy, hoạt động của các cơ quan thanh tra là nhằm phục vụ thiết thực cho công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng chồng chéo, trùng lắp giữa các cơ quan thanh tra và giữa thanh tra với kiểm toán vẫn thường xuyên xảy ra.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra vẫn tồn tại mà một phần nguyên nhân xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thanh tra bộ, ngành chưa rõ ràng. Mặt khác, ngay từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra đã thiếu sự phối hợp, thống nhất khiến công tác khắc phục chồng chéo còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn: “Thời gian qua, diễn biến thực tế thanh tra Bộ, ngành vẫn có sự chồng chéo với thanh tra tỉnh. Về pháp luật thì khoản 1 điều 19 quy định thẩm quyền khi chồng chéo là giao cho chánh thanh tra bộ chủ trì. Đến khoản 1 điều 2 luật Thanh tra quy định của tỉnh thì lại giao cho tỉnh như vậy có xung đột về thẩm quyền”.
Không chỉ vướng ở thẩm quyền xử lý do luật quy định chưa thống nhất, mà ngay cả với thanh tra chuyên ngành, tình trạng chồng chéo vẫn chưa được khắc phục, do chưa có quy định xử lý.
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành thanh tra. |
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu thực tế:
“Thanh tra của ngành Lao động được giao quản lý về mặt nhà nước về bảo hiểm xã hội, vì thế, quản lý nhà nước đến đâu thì tiến hành thanh tra đến đó. Nhưng hiện nay, thanh tra đóng bảo hiểm xã hội không thuộc hệ thống nào của ngành; cũng không thuộc thanh tra nhà nước (gồm Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ, ngành, địa phương, thanh tra tỉnh, sở..), mà cũng không thuộc Nghị định 07, là giao cho chức năng thanh tra chuyên ngành,. Vậy xử lý chồng chéo như thế nào. Vì trong luật chưa có hướng dẫn về xử lý chồng chéo đối với cơ quan đóng bảo hiểm xã hội”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho rằng, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra về lâu dài cần có những giải pháp đồng bộ từ xây dựng đến tổ chức thực hiện. Hơn nữa, một trong những biện pháp quan trọng đó là các bộ, ngành cần chủ động phối hợp xử lý ngay từ dự thảo kế hoạch thanh tra. Thanh tra Chính phủ cũng sẽ làm việc cụ thể với thanh tra các Bộ, ngành, địa phương, cũng như kiểm toán để có hướng khắc phục triệt để.
“Thanh tra Chính phủ sẽ có định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2018 và làm việc với Kiểm toán nhà nước để sớm khắc phục vấn đề chồng chéo. Một mặt, Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản để xử lý chồng chéo mà Vụ pháp chế sẽ chủ trì. Có thể sẽ ban hành văn bản liên ngành giữa thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước. Về lâu dài thì sẽ khắc phục về mặt thể chế như pháp luật” - Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết.
Hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn, nhất là khắc phục từ thể chế. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan thông qua việc phân định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm và sự phối hợp của thanh tra và kiểm toán, có như vậy mới bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền./.