Thanh tra, kiểm tra - Nỗi ám ảnh của doanh nghiệp
VOV.VN - Sự chồng chéo thanh tra, kiểm tra như "vòng kim cô" kiềm tỏa doanh nghiệp, làm méo mó quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước.
Chia sẻ tại buổi hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh tổ chức tại Hà Nội ngày 3/6, ông Phạm Huy Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, cần giảm thiểu công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp.
Ông Phạm Huy Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam |
Còn nặng về kiểm tra kiểm soát
Ông Hùng đánh giá, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện, thông thoáng và thuận lợi hơn.
Dẫu vậy, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện hơn nữa trong tiến trình hội nhập kinh tế. Ông Hùng nêu ra một số vấn đề cần cải thiện để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục hoàn thiện kinh tế vĩ mô, chuyển đổi tư duy từ "chọn để cho" sang "chọn để bỏ". Một số luật và văn bản dưới luật vẫn còn bất cập chưa được tháo gỡ hoàn toàn, tiếp tục xem xét loại bỏ các quyết định cho phép cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường và doanh nghiệp.
Hai là, cần tăng cường công khai minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng cho các doanh nghiệp, chính sách khởi nghiệp quốc gia cho doanh nghiệp, cam kết hội nhập quốc tế. Dù đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với chỉ số mức ASEAN 6.
Ba là, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, để cải thiện các chỉ số cạnh tranh, cần nâng cao chỉ số trung bình trong ASEAN, sớm ban bành chính thức bộ chỉ số năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình. Dần nâng hạ tầng chính sách để đạt được chuẩn quốc tế.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách. Công tác thanh tra kiểm soát cần phải đổi mới nhiều hơn nữa, chứ không phải chăm chăm đi vào doanh nghiệp. Chỉ khi có dấu hiệu mới vào kiểm tra, còn lại là kiểm soát từ xa bằng các công cụ. Thực tế nặng về kiểm tra kiểm soát nhưng lại để xảy ra nhiều đổ vỡ lớn.
Một năm không được thanh kiểm tra doanh nghiệp quá một lầnTheo ông Lê Xuân Hiền, Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, mặc dù Thủ tướng mới ra Chỉ thị 20 về việc một năm không được thanh kiểm tra doanh nghiệp quá một lần, nhưng thực tế lại không được như vậy.
Ông Hiền dẫn câu chuyện từ bản thân: "Mới chiều hôm trước, tôi nhận được giấy thành lập doanh nghiệp thì ngay sáng hôm sau đã có cuộc gọi điện tới yêu cầu kiểm tra phòng cháy chữa cháy, trong khi chúng tôi còn chưa có biển hiệu".
Ông Lê Xuân Hiền - Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư |
Ông Hiền cũng nêu thực tế: Nhiều hộ kinh doanh không muốn lên thành doanh nghiệp vì chi phí thanh kiểm tra lớn. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm đúng quy định pháp luật thì không làm được, vậy cứ làm đã, vướng đâu thì "bôi trơn" đó.
Bên cạnh đó, ông Hiền chia sẻ, còn có câu chuyện cán bộ công chức không "thuộc bài". Mặt khác, tình trạng luân chuyển cán bộ làm chuyên môn rất nhiều, dẫn đến nhiều cán bộ mới phụ trách các mảng chuyên môn cũng mới tinh với họ. Vì mới nên thường chưa "thuộc bài" và việc phải kiểm tra, nắm tình hình, rà soát, xem xét doanh nghiệp cũng là việc thường phải làm.
Ông Hiền cho rằng, muốn giám sát và kiểm tra được, cán bộ phải "sâu và lâu". Cần có chuyên gia về mặt pháp lý để phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, tình trạng cán bộ "thuộc bài" nhưng muốn nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn đang diễn ra phổ biến, gây khó cho doanh nghiệp. Những điều này cần phải được cải thiện trong thời gian tới.
Nới "vòng kim cô" thanh kiểm tra
Vừa qua, khi góp ý kiến về dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cũng nhắc lại tinh thần tại cuộc đối thoại của Thủ tướng với cộng đồng doanh nhân hồi giữa tháng 5 là chia sẻ với doanh nghiệp khi phải đối diện với vấn đề thanh kiểm tra chồng chéo.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền
Đại biểu Hiền nêu rõ: Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 20 chấn chỉnh hoạt động thanh tra kiểm tra đối với doanh nghiệp để phần nào giải tỏa những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện rõ tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp cũng như sự cần thiết phải luật hóa vấn đề này. Sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra kiểm tra làm méo mó quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước.
Sự chồng chéo thanh kiểm tra như "vòng kim cô" gây kiềm tỏa doanh nghiệp. Vì thế, đại biểu Hiền đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung việc luật hóa tần suất, lồng ghép và kế thừa kết quả các cuộc thanh kiểm tra, kiểm toán, cần coi đây là một giải pháp, chính sách hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp./. Doanh nghiệp cần chính quyền “chung thuỷ“