Thất thu thuế thương mại điện tử: Ngân hàng và ngành thuế phối hợp chưa chặt chẽ
VOV.VN - Tốc độ phát triển của thương mại điện tử ở TP.HCM rất nhanh và sôi động nhất cả nước với mức tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, việc thu thuế ở lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn.
Thu thuế thương mại điện tử nhiều khó khăn
6 tháng qua, qua công tác kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Thuế TP.HCM đã xử lý, truy thu và xử phạt số tiền 85 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với năm 2022.
Hiện nay, TP.HCM có trên 36% doanh nghiệp xây dựng website, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến, có gần 20.500 website thương mại điện tử bán hàng và hơn 570 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử… Tuy nhiên, việc thu thuế thương mại điện tử còn nhiều khó khăn vì cá nhân, tổ chức kinh doanh không có địa chỉ kinh doanh cố định. Người kinh doanh qua mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử chưa tự giác đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế. Việc quản lý doanh thu cũng gặp trở ngại khi người mua không yêu cầu cung cấp hóa đơn.
Để ngành thuế tránh thất thu từ giao dịch thương mại điện tử, ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thủ tục đăng ký kinh doanh thương mại điện tử, cảnh báo hành vi vi phạm và xử lý vi phạm. Cục Thuế TP.HCM cũng sẽ tổ chức đối thoại với các sàn thương mại điện tử, đồng thời tiếp tục thực hiện chuyên đề chống thất thu ngân sách Nhà nước ở lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo đó, cơ quan thuế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa, nhất là các đơn vị giao nhận được uỷ quyền thu tiền khi giao hàng (hình thức COD), qua đó để xác định tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để quản lý thuế.
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm: “Chúng tôi tổ chức rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức chủ sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp các thông tin, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn theo đúng quy định về Nghị định 91 của Chính phủ. Đồng thời, tôi cũng giao nhiệm vụ cho các phòng, chi cục thuế tổ chức khai thác, rà soát, quản lý, kiểm tra các đối tượng phải đăng ký kê khai, nộp thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử theo quy định”.
Xác minh hoạt động kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội
Một trong những nguyên nhân ngành thuế TP.HCM chưa khai thác hết tiềm năng của nguồn thu thuế này, đó là do sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại với cơ quan thuế chưa chặt chẽ. Do vậy, Cục thuế TP.HCM sẽ tăng cường sự phối hợp với các ngân hàng thương mại, từ đó xác minh thông tin các tổ chức, cá nhân có giao dịch bằng các hoạt động kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội như: Google, Facebook, YouTube, Tiktok…
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh tại TP.HCM cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán làm tốt việc phối hợp với cơ quan thuế cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định. Thực hiện tốt trách nhiệm này để cơ quan thuế quản lý tốt nguồn thu và thu thuế có hiệu quả”.
Còn ông Nguyễn Văn Được, Phó trưởng Ban đối ngoại, Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng: “Cơ quan thuế cần phải vận dụng linh hoạt, triệt để và đặc biệt yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý những tổ chức, cá nhân không phối hợp hoặc phối hợp không đầy đủ nghĩa vụ với cơ quan thuế trong triển khai thu thuế. Đặc biệt, cơ quan thuế phải tuyên truyền sâu rộng cho người dân, doanh nghiệp rõ về nghĩa vụ thuế để tránh tình trạng thiếu hiểu biết dẫn đến lách luật”.
Hiện nay, việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đã có khung pháp lý khá đầy đủ. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này rất phong phú, đa dạng về hàng hóa, dịch vụ, từ thị trường trong nước đến xuyên biên giới trên nền tảng số… Vì vậy, ngành thuế Thành phố rất khó quản lý đối tượng nộp thuế và xác định doanh thu. Để thực hiện tốt nguồn thu này, Cục thuế TP.HCM rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.