Thay đèn chiếu sáng giải pháp tiết kiệm năng lượng
VOV.VN - Phát triển công nghệ chiếu sáng tiết kiệm điện nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hướng đến nền kinh tế xanh.
Tiết kiệm năng lượng được xác định là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu để giải quyết bài toán phát triển bền vững, hướng đến nền kinh tế xanh theo hướng hiện đại, tiết kiệm ngân sách. Trong xu thế tiết kiệm năng lượng chung, tiết kiệm trong tiêu thụ điện đang được xem là giải pháp tối ưu.
Nhu cầu điện luôn tăng gấp đôi chỉ số GDP
Đánh giá tình hình sử dụng năng lượng tại Việt Nam, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng cho biết, Việt Nam tới đây sẽ là quốc gia phải nhập khẩu năng lượng tinh, đặc biệt từ sau năm 2016, trong đó tập trung nhập khẩu nguồn than cho phát điện, cùng với đó phải phát triển phát triển điện hạt nhân.
Chương trình mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015, Việt Nam đã phấn đấu đạt mức 3-5% tổng mức tiêu thụ của cả nước, tương đương tiết kiệm được 4,9 triệu tấn dầu quy đổi. Mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục tăng mục tiêu tiết kiệm năng lượng lên đến 16 triệu tấn dầu quy đổi.
Cơ cấu sử dụng điện của Việt Nam tập trung vào công nghiệp và xây dựng sau đó đến giao thông, trong đó có 2% tiêu thụ phi năng lượng. Đáng chú ý, trong sản xuất công nghiệp, mức tiêu thụ điện cho một sản phẩm cao hơn từ 1,3 – 1,5 lần so với các nước trên thế giới.
Tiết kiệm điện trong chiếu sáng là thiết thực
Ở Việt Nam hiện nay, điện năng dành cho chiếu sáng đang chiếm khoảng 35% tổng năng lượng điện cung ứng, trong khi trên thế giới, lĩnh vực này đang chỉ chiếm 16% - 17% điện năng.
Việt Nam có đối tượng sử dụng và phạm vi chiếu sáng lớn với trên 760 đô thị trên cả nước. Điện chiếu sáng gắn với quá trình đô thị hóa, do vậy giải pháp tiết kiệm điện cho chiếu sáng là giải pháp cấp thiết.
Theo ông Tạ Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc tiết kiệm điện sâu rộng trong chiếu sáng không mất thời gian, chi phí không lớn, đơn giản chỉ cần tiết kiệm 1/3 công suất của mỗi bóng đèn.
“Cần có giải pháp khoa học công nghệ nào trong nước làm chủ được, cạnh tranh được về giá cả với 15 tỷ bóng đèn tiết kiệm điện là nhu cầu vô cùng lớn. Lựa chọn công nghệ bóng đèn bán dẫn phát quang (LED) có thể đang là giải pháp tối ưu trong sử dụng tiết kiệm điện, năng lượng hiệu quả”, ông Đông đặt vấn đề.
Đại diện Tổng cục Năng lượng cho biết, rất cần thiết có dự án sử dụng đèn LED trong lĩnh vực chiếu sáng hộ gia đình và công cộng. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ quy định mức sử dụng, triển khai các dự án sử dụng hiệu suất cao, Bộ Công Thương thiết lập hệ thống chiếu sáng trong các tòa nhà công sở và chiếu sáng gia đình.
PGS.TS. Dương Ngọc Huyền, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chiếu sáng bằng công nghệ đèn LED có thể thay thế tất cả các nguồn truyền thống trong vòng 10 - 15 năm tới. Hiện Việt Nam đã và đang tận dụng được nhiều thành quả của khoa học kĩ thuật nhưng cách tiếp cận chưa nhanh, chính sách cơ chế hỗ trợ chưa rõ ràng, quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan nhiều khi chưa hiệu quả.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Giám đốc Công ty bóng đèn - phích nước Rạng Đông, Phó Chủ tịch Hiệp hội chiếu sáng cho biết, nếu dùng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED để thay thế hệ thống bóng đèn truyền thống có thể đạt mục tiêu giảm sử dụng năng lượng xuống mức 10%. Đây là giải pháp thực hiện nhanh hiệu quả kinh tế cao có thuận lợi theo xu hướng thế giới.
“Chiếu sáng đường phố chỉ chiếm 1 - 2% trong khi chiếu sáng trong các tòa nhà, khu chung cư đang chiếm 40%, trung tâm thương mại chiếm tới 35% điều này hiện chưa xử lý được. Trong đơn giá xây dựng mới hiện nay chưa có đề xuất lắp bóng đèn LED. Tuy nhiên nếu phát triển ở Việt Nam, đèn LED phải là sản phẩm đáng tin cậy”, ông Thăng nói.
Năng lực sản xuất và cung ứng đèn LED tại Việt Nam
Xu thế sử dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED đang được tư nhân và các tổ chức tích cực sử dụng. Việt Nam là đất nước năng động lại ở trung tâm phát triển LED của thế giới giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, khi nhận thức của người dân được nâng cao, việc thay thế sử dụng đèn LED là một tất yếu.
TS. Lê Hải Hưng, Đại học Bách Khoa Hà Nội, đèn LED không có chất độc, giảm thiểu ô nhiễm, hiệu quả cao dễ sử dụng và tiềm năng sản xuất của Viêt Nam rất lớn. Hiện trong nước đã có 200 cơ sở sản xuất và phân phối sản phẩm. Nếu mạnh dạn thay đèn sợi đốt, đèn tiết kiệm năng lượng bằng đèn LED, mỗi năm ngân sách nhà nước có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Quyết Thắng, Giám đốc Công ty Tam Hồng, cần quy hoạch những nhà sản xuất được đèn LED trong nước đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường. Nên xây dựng hàng rào kĩ thuật để người tiêu dùng được hưởng thành quả của công nghệ. Cần cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ kích thích giải pháp công nghệ hỗ trợ tiết kiệm năng lượng.
Đồng thuận cao với việc đưa thành tựu khoa học kĩ thuật trong tiết kiệm điện lĩnh vực chiếu sáng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - ông Tạ Huy Đông xác định, việc sản xuất đèn LED cần cơ chế chính sách, tạo cơ hội cho doanh nghiệp. Trong đó cũng cần làm rõ năng lực thực sự của doanh nghiệp đến đâu, tỷ lệ nội địa hóa đạt được bao nhiêu.
Ông Đông cũng cho biết, Ban Kinh tế Trung ương sẽ có báo cáo chi tiết với Chính phủ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào tiết kiệm năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực chiếu sáng, đưa nền kinh tế xanh phát triển nhanh và bền vững./.