Thay đổi tư duy, nhận thức về tăng trưởng xanh
VOV.VN - Hiện nay xu thế tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.
Nhằm đánh giá những đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng như thảo luận những giải pháp, bước đi trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình thực hiện mục tiêu này, sáng nay Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm, với chủ đề "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam".
Hiện nay, xu thế tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Trong suốt thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp FDI đóng vai trò rất quan trọng trong sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện phát triển bền vững bao trùm, trong đó có tăng trưởng xanh.
Doanh nghiệp FDI không chỉ giúp tạo ra sự thay đổi về nhận thức, giúp tạo ra nguồn lực, kinh nghiệm để quản trị, công nghệ trang thiết bị hiện đại, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh trong sản xuất. Đồng thời hợp tác, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chung tay góp sức vì sự nghiệp tăng trưởng xanh chung này. Đồng thời, doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh.
Ông Chris Hogg, Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé chia sẻ: "Trong các hoạt động của mình, trong nhà máy, trong hệ thống trung tâm phân phối của mình, chúng tôi chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, những sản phẩm sinh khối từ các nhà máy của chúng tôi với những sản phẩm trong quá trình xử lý chất thải và sản xuất, trong hệ thống hậu cần những phương pháp pha chế giảm thiểu phát thải carbon. Các sản phẩm đóng gói thì có thể tái chế trong tương lai, chúng tôi cũng giảm thiểu vấn đề về rác thải nhựa".
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận, thúc đẩy tăng trưởng xanh cũng gặp phải những khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường để khuyến khích và phát triển của quá trình này; Cũng như đang gặp khó trong việc “nuôi dưỡng” hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh theo hướng xanh, để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xanh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về vấn đề này, thời gian qua Bộ đã chủ động tham mưu trình Chính phủ, phối hợp với cả các bộ, ngành, địa phương dần hoàn thiện hơn nữa, khung khổ pháp lý liên quan đến tăng trưởng xanh. Đến nay, chúng ta đã có Chiến lược tăng trưởng xanh đã có kế hoạch hành động của Chính phủ, những nội dung này đã được lồng ghép trong các quy hoạch, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của các địa phương để thực hiện mục tiêu này, song hiện vẫn còn là chưa đủ.
"Chính phủ cần phải tiếp tục phối hợp với cả các bộ, ngành để rà soát, đảm bảo rằng là cái khung khổ pháp lý thực sự là thuận lợi, có tính khuyến khích. Trong đó chúng ta cũng tìm ra những cơ chế, chính sách ưu đãi, thực sự thiết thực đúng và trúng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thay đổi nhận thức và thực hiện một cách có hiệu quả trong hoạt động đầu tư kinh doanh theo hướng xanh. Về phía doanh nghiệp cần có thay đổi tư duy, nhận thức về tăng trưởng xanh, đầu tư không phải chỉ để đạt mục đích kinh tế mà cần phải mang lại một cách tổng thể cả về môi trường, xã hội…", ông Nguyễn Anh Tuấn nêu ý kiến./.