Thí điểm Mobile Money – Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện

VOV.VN - Mobile money là giải pháp thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ thanh toán không tiền mặt một cách toàn diện, có thể thanh toán, chuyển tiền giữa các số điện thoại di động, kể cả khi người sử dụng không dùng điện thoại thông minh.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 316/QĐ-TTG cho phép thí điểm Mobile Money trong thời gian 2 năm từ thời điểm ký quyết định là ngày 9/3/2021. Mobile money (Tiền di động) là dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ. Đây là giải pháp thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ thanh toán không tiền mặt một cách toàn diện, có thể thanh toán, chuyển tiền giữa các số điện thoại di động, kể cả khi người sử dụng không dùng điện thoại thông minh... Trong khi các doanh nghiệp viễn thông đang có những kế hoạch triển khai Mobile Money, thì dịch vụ này được người sử dụng đón chờ như thế nào?

Hiện nay cả nước mới có khoảng 30% dân số có tài khoản ngân hàng, chưa kể ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận dịch vụ tài chính số cùng còn nhiều trở ngại.

“ Ở quê tôi cũng không có nhiều chi nhánh ngân hàng, nên cần rút tiền mặt thì phải đi ra tận thị xã”, anh Vũ Văn Nam, một người dân chia sẻ.

“Tôi đã đăng ký dịch vụ Internet banking để chuyển tiền. Thế nhưng mà nếu làm như vậy, thì người nhận cũng phải có tài khoản ngân hàng. Vừa rồi, tôi có nghe nói là có giải pháp tiền di động, thì tôi có thể chuyển tiền từ tài khoản di động của tôi đến tài khoản di động của người khác. Nếu đúng như vậy, sẽ rất thuận tiện, nhất là mức bán với số tiền nhỏ nhỏ, như kiểu đi chợ hay đi cắt tóc chẳng hạn”, chị Bùi Ánh Vân nói.

Đúng như tìm hiểu của chị Bùi Ánh Vân, dịch vụ Mobile Money sẽ giúp người sử dụng có thể chuyển tiền từ số điện thoại này đến số điện thoại kia một cách dễ dàng, mà không cần phải đi rút tiền tại các cây ATM hay chi nhánh ngân hàng. Đặc biệt, nếu đi chợ, hay mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ, hoặc đi cắt tóc… không cần đem theo tiền mặt, thì khách hàng vẫn có thể thanh toán từ 1.000 đồng thậm chí lẻ đến vài chục đồng, nếu cả hai thuê bao di động cùng sử dụng dịch vụ Moblie Money. Đây thực sự là tiện ích đem lại cho người dân không chỉ ở các thành phố lớn, mà còn ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bởi hiện nay cả nước có hơn 130 triệu thuê bao di động (trong đó có khoảng 10 triệu thuê bao 2G cũng vẫn dùng được dịch vụ này).

Về phía các doanh nghiệp viễn thông cho biết, đã sẵn sàng thử nghiệm dịch vụ và đáp ứng tất cả các yêu cầu theo Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ này, nếu có Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu trùng khớp với thông tin đã đăng ký số thuê bao di động, đã được định danh.

Theo ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, không chỉ chuẩn bị trước hạ tầng và nguồn lực đáp ứng các yêu cầu trong Quyết định 316, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 70 triệu thuê bao di động của Viettel một cách an toàn, bảo mật. Đại diện Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, đã sẵn sàng để triển khai ngay sau khi được cấp phép.

“Cuối 2020, chúng tôi đã thử nghiệm dịch vụ này cho hơn 40.000 cán bộ nhân viên của Viettel và dịch vụ đã rất ổn. Về mặt hạ tầng, để sẵn sàng cho người dùng sau khi kích hoạt tài khoản và sử dụng, chúng tôi đã có sẵn hệ sinh thái số Viettel Pay, hiện đang cung cấp cho 10 triệu khách hàng. Và một vấn đề mà tôi nghĩ rất nhiều khách hàng tương lai có thể quan tâm, đấy là câu chuyện bảo mật, thì dịch vụ Moblie Money của chúng tôi được áp dụng những tiêu chuẩn công nghệ bảo mật ở mức cao nhất của thế giới như PCIDSS, hay là bảo vệ thông tin. Bên cạnh đó, để người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng là các điểm hỗ trợ tạo tài khoản, nạp - rút tiền, cũng như chấp nhận thanh toán… thì về các điểm hỗ trợ nạp - rút tiền, chúng tôi đã phủ rộng trên 63 tỉnh, thành, đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Đây là một lợi thế của chúng tôi trong việc cung cấp dịch vụ Mobile Money”, ông Trương Quang Việt cho biết.

Các số thuê bao di động muốn sử dụng dịch vụ phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Đây không phải là điều kiện quá phức tạp đối với người sử dụng, nên anh Nguyễn Văn Trọng rất vui mừng và chờ đợi khi nào có thể đăng kí được giải pháp này, anh sẽ sử dụng ngay

"Tôi đi làm ở trên thành phố, lúc nào cần chuyển tiền về nhà lại phải nhờ hàng xóm. Vì bố mẹ tôi già rồi, cũng không biết sử dụng điện thoại thông minh, lại càng không thể đi rút tiền, vì ngân hàng ở rất xa nhà tôi. Nếu có giải pháp chuyển tiền được từ số điện thoại di động của tôi sang điện thoại "cục gạch" của mẹ tôi chẳng hạn, thì như vậy quá là tiện lợi", anh Trọng nói.

Theo Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money sẽ không được cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ này, cũng như không được trả lãi trên số dư tài khoản của khách hàng hoặc có bất cứ hành động nào làm gia tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản mà người sử dụng đã nạp vào tài khoản Mobile Money. Đặc biệt, Quyết định 316 cũng quy định rõ hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money. Năm nay và năm sau sẽ là khoảng thời gian quan trọng để dịch vụ Mobile Money chứng minh khả năng đóng góp giá trị trong việc hỗ trợ thanh toán tiện lợi, thông minh, an toàn cho người mọi người dân và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thí điểm dùng Mobile Money: Những hành vi nào bị cấm?
Thí điểm dùng Mobile Money: Những hành vi nào bị cấm?

VOV.VN - Theo quyết định mới, nhiều hành vi bị cấm trong quá trình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, bắt đầu từ 9/3/2021 và kéo dài 2 năm.

Thí điểm dùng Mobile Money: Những hành vi nào bị cấm?

Thí điểm dùng Mobile Money: Những hành vi nào bị cấm?

VOV.VN - Theo quyết định mới, nhiều hành vi bị cấm trong quá trình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, bắt đầu từ 9/3/2021 và kéo dài 2 năm.

Mobile money thuận tiện nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Mobile money thuận tiện nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

VOV.VN - Giải ngân qua Mobile Money sẽ nhanh chóng hơn mô hình truyền thống, đồng thời, góp phần làm giảm tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng.

Mobile money thuận tiện nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mobile money thuận tiện nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

VOV.VN - Giải ngân qua Mobile Money sẽ nhanh chóng hơn mô hình truyền thống, đồng thời, góp phần làm giảm tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng.

Mobile money là giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt?
Mobile money là giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt?

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mobile money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Mobile money là giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt?

Mobile money là giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt?

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mobile money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.