Thị trường bất động sản phục hồi: Ai hưởng lợi?

Dù thị trường bất động sản mới chỉ ở giai đoạn nhen nhóm phục hồi nhưng nhà đầu tư vẫn hưởng lợi nhuận cao. Theo nhiều chuyên gia, đây là hệ lụy của một thị trường “đói” hàng hóa và thiếu minh bạch.

Thị trường hồi phục

Thị trường nhà đất Hà Nội bắt đầu sôi động trở lại hồi tháng 5 với hàng loạt khu vực tăng nóng như Hà Đông, Tây Mỹ Đình, Bắc An Khánh, Nam Thăng Long. Đơn cử như dự án An Khánh-An Thượng của Công ty Hà Đô, giá đất nền cách đây vài tháng chỉ khoảng 15-17 triệu đồng/m2, nhưng số tiền vào sổ cho khách mua đã lên khoảng 18,5 triệu đồng/m2.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Vinaland, giá nhà đất tại thị trường TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm tới nay đã tăng 20-30%. Tùy từng khu vực có hạ tầng tốt như Nam Sài Gòn, giá đất đã tăng tới 40-50%. Như dự án Him Lam, giá đầu năm là 30 triệu đồng/m2 nay đã tăng lên 50 triệu đồng/m2, dự án Phú Mỹ tăng từ 12 triệu/m2 đến 19 triệu/m2.

Đáng nói, đây là mức tăng giá chào bán của chính chủ đầu tư nên vẫn khá “khiêm tốn”. Trên thực tế, lượng cung ra thị trường nhà đất từ đầu năm tới nay không nhiều, các giao dịch chủ yếu là mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư thứ cấp và người có nhu cầu thực nên số chênh lệch mỗi lần mua bán khá lớn. Như dự án vàng Splendora (Bắc An Khánh), mức giá gốc đất nền chào bán là 1.800 USD/m2 - 2.300 USD/m2, nhưng trên thị trường chuyển nhượng không chính thức, giá chênh lệch mỗi lần trao đổi đã lên tới trên 1 tỷ đồng/căn hộ.

Ông Hoàng cho rằng, thị trường BĐS không ảm đạm như nhiều dự báo dù vẫn còn khá yếu. Tuy giá nhà đất biến động mạnh nhưng giao dịch không nhiều, nguyên nhân là do lượng hàng hóa trên thị trường chưa thực sự nhiều, nên khi thị trường sôi động không có hàng tung ra để cân đối thị trường, còn thời điểm thị trường ảm đạm thì tâm lý và khả năng mua lại kém.

Đầu cơ hưởng lợi

Theo một chuyên gia môi giới BĐS, người dân thường bị ảnh hưởng rất lớn bởi giới đầu tư thứ phát, vì thế tin đồn của giới đầu tư có thể đẩy giá nhà đất từng khu vực lên rất nhanh. Gần đây nhất, đất khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) đắt lên nhanh chóng do tin đồn khu vực này thành quận. Thậm chí do mù mờ thông tin, không hiếm người dân bị lừa bởi các dự án “ma”. Mới đây nhất là vụ lừa đảo bán đất “ma” của Công ty CP Sàn Bất động sản Việt Nam khiến hàng trăm người phải khóc dở mếu dở. Thị trường BĐS cũng là một kênh đầu tư, việc nhà đầu tư thu lợi nhuận là điều bình thường. Song trong bối cảnh thị trường chỉ nhen nhóm phục hồi, nhà đầu tư vẫn hưởng lợi nhuận cao lại là hệ lụy của một thị trường “đói” hàng hóa và thiếu minh bạch.

Xét ở khía cạnh nào đó, việc giá nhà đất Việt Nam nóng lên bất thường cũng là minh chứng cho việc thị trường bất động sản vẫn đang bị làm giá bởi một bộ phận đầu cơ.

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 161 quy định việc nộp thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng BĐS (sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 26/9). Có hai cách tính thuế: 25% trên số lợi nhuận thu được, hoặc 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng BĐS. Theo đó, thuế áp cả với các trường hợp chuyển nhượng hợp đồng góp vốn, hay ở dạng chuyển nhượng BĐS chưa có chủ quyền cũng sẽ được áp như BĐS có chủ quyền. Tuy nhiên theo phân tích, chỉ giới đầu cơ mua đi bán lại thu lợi nhuận mới phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Nhưng theo phân tích, cả hai cách tính thuế thu nhập cá nhân trên có thể vẫn chưa đủ sức tác động mạnh tới thị trường. Cụ thể, mức thuế 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng chắc chắn sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận của nhà đầu tư. Còn mức thuế 25% trên số lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ lách bằng cách khai mức lợi nhuận thu được thấp hơn. Nhiều ý kiến cũng chỉ ra, sẽ rất khó thu mức thuế 25% bởi nhà đầu tư được tự kê khai giá.

Dù vẫn còn nhiều bất cập, các chuyên gia vẫn đang kỳ vọng chính sách thuế mới này sẽ là một công cụ làm lành mạnh thị trường và hạn chế đầu cơ, bởi giới đầu cơ càng nâng giá, lợi nhuận càng lớn thì mức thuế đóng sẽ càng cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên