Thị trường châu Mỹ: Tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam trong CPTPP

VOV.VN - CPTPP đã và đang trở thành động lực mở rộng đường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước châu Mỹ vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng.

Sau 2 năm Hiệp định CPTPP đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang hai quốc gia đã phê chuẩn CPTPP là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt kim ngạch 44 tỷ  USD (tăng 45%) và 3,17 tỷ USD (tăng 41%) so với cùng kỳ năm 2018. Các nước còn lại dù chưa phê chuẩn CPTPP nhưng cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Những con số này khẳng định, CPTPP đã và đang trở thành động lực mở rộng đường cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước châu Mỹ vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng.

Việt Nam - Điểm sáng cần quan tâm từ châu Mỹ

Tại Hội thảo “CPTPP-Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích, nhận định cùng các giải pháp giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam kết nối với các DN, nhà nhập khẩu nước ngoài để từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, chiến lược kinh doanh bài bản hơn, tận dụng những ưu đãi đang có với các nước thành viên CPTPP, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu tại khu vực châu Mỹ.

Đại diện doanh nghiệp Winbridge Business Group đến từ Mexico chia sẻ, trong khoảng 10 năm trở lại đây, giao dịch thương mại song phương giữa Mexico và Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất mạnh, đặc biệt là chiều nhập khẩu của Mexico từ Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, Mexico có thể được coi là thị trường đầy tiềm năng, là cửa ngõ lớn để nhập khẩu hàng hóa Việt Nam khi xâm nhập vào thị trường khu vực châu Mỹ.

“Sau khi Việt Nam và Mexico cùng tham gia vào CPTPP, chính phủ hai nước cũng đã có rất nhiều những sáng kiến để tăng cường thúc đẩy hơn nữa sự tiếp cận thị trường lẫn nhau. Mexico đưa ra những giải pháp hỗ trợ về hậu cần, bao gồm về các vấn đề về pháp lý cũng như tư vấn kế toán tài chính nhằm giảm chi phí và giảm thời gian cho DN hai bên. Hiệp định CPTPP đang tạo ra những cơ hội rất lớn để thúc đẩy thương mại giữa hai nước, mở ra cơ hội kinh doanh và cơ hội mở rộng thị phần cho các DN”, đại diện Winbridge Business Group cho biết.

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada thông tin, dù là quốc gia với diện tích lớn thứ hai trên thế giới, nhưng Canada chỉ có khoảng 37 triệu dân, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vào khoảng 870 tỷ USD/năm với tỷ lệ nhập siêu không đáng kể. Tuy nhiên, Canada lại có nét tương đồng với Việt Nam, đó chính là cùng hướng về xuất khẩu nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

“Xu hướng tiêu dùng của thị trường Canada rất đa dạng, bởi vì đây là một đất nước có sự tồn tại của rất nhiều người châu Á, nên nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng nói chung và của Việt Nam nói riêng vô cùng phong phú. Canada cũng đang theo đuổi chính sách tự do hóa thương mại và đa dạng hóa thương cho nên đây là tiềm năng lớn mà các DN Việt Nam có thể tiếp cận”, bà Hương cho biết.

Cũng theo bà Hương, sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực và đặc biệt trong thời gian đại dịch, các DN Canada đã gia tăng sự quan tâm đến thị trường Việt Nam. Việc tham gia CPTPP cũng khiến các DN Canada tin tưởng hơn đối với hàng hóa của Việt Nam khi hai quốc gia cùng theo nguyên tắc chung. Hơn nữa, Canada đang đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa thương mại nên các DN cũng cần thêm những nguồn cung mới khác nhau để phân tán rủi ro. Vì thế, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng trong các lựa chọn của DN Canada khi tìm nguồn cung hàng hóa và địa điểm sản xuất.

CPTPP - Bước ngoặt tạo xung lực xuất khẩu mới

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cộng đồng DN Việt Nam và các đối tác trong CPTPP và khu vực châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý xa hôi, chưa có vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp; sự khác biệt về ngôn ngữ và việc thiếu thông tin cập nhật về thị trường. Ngoài ra, các DN cũng đang gặp một số khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ, vấn đề chất lượng cũng như những đòi hỏi riêng cần đáp ứng của thị trường châu Mỹ…

Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico cho hay, thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico vẫn là chủ yếu vẫn là điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử hàng thủy sản,  giày dép dệt may… Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Mexico linh kiện điện tử, sắt thép, máy móc. Để các DN hai nước tận dụng được những cơ hội do CPTPP mang lại, về lâu dài các DN của Việt Nam phải tính toán để có thể phát triển các kênh phân phối trong khu vực châu Mỹ.

“Hệ thống các công ty, tập đoàn của Mỹ và Mexico có rất nhiều văn phòng đại diện tại các nước trong khu vực châu Mỹ nên họ có thể thể thông qua các văn phòng này để nhập khẩu hàng hóa. Để thúc đẩy thương mại của Việt Nam tại các nước khu vực châu Mỹ, rất cần thiết tạo lập các cơ quan xúc tiến thương mại để tiếp xúc và thúc đẩy các sản phẩm của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ”, ông Khang nói.

Để tăng cơ hội cho các DN Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu vào châu Mỹ, bà Đỗ Thị Thu Hương lưu ý, các DN Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt những ưu đãi trong khuôn khổ của CPTPP. Đặc biệt là những ưu đãi thuế nhập khẩu có thể tác động trực tiếp đến cơ chế giá giữa người mua và người bán nên coi đó là cơ sở để đàm phán với đối tác.

Ngoài ra, các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP là rất mới và rất phức tạp, nên các DN cần đầu tư nhân lực để tìm hiểu quy tắc, thủ tục chứng minh xuất xứ để có thể được hưởng ưu đãi thuế quan. Các cơ quan quản lý cần thúc đẩy thêm các công cụ trực tuyến, những hội thảo và hướng dẫn chuyên sâu vào từng lĩnh vực, từng ngành hàng để các DN đều có thể tìm hiểu và tra cứu thông tin

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Hiệp định CPTPP được coi là bước ngoặt tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác thành viên nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng.

Năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh cả thế giới trải qua 1 năm đặc biệt với nhiều biến động và suy thoái, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cầu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới.

“Bên cạnh việc khai thác thị trường CPTPP, các DN có thể nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, các mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước thành viên CPTPP để qua đó đưa hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ. Nếu tận dụng tốt các cơ chế liên kết kinh tế và ưu đãi thương mại do CPTPP mang lại, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể tìm thấy những cơ hội kinh doanh thuận lợi, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu như hiện nay”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019. Trong đó xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang các đối tác CPTPP của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ cũng tăng trưởng tích cực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 13% (đạt 1,13 tỷ USD); Mexico tăng 17% (đạt 931 triệu USD); Chile tăng 12% (đạt 321 triệu USD) và Peru tăng 35% (đạt 134 triệu USD)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hiệp định CPTPP tác động ban đầu cho xuất khẩu
Hiệp định CPTPP tác động ban đầu cho xuất khẩu

VOV.VN - Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.

Hiệp định CPTPP tác động ban đầu cho xuất khẩu

Hiệp định CPTPP tác động ban đầu cho xuất khẩu

VOV.VN - Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.

Doanh nghiệp lơ mơ về các cam kết của Hiệp định CPTPP
Doanh nghiệp lơ mơ về các cam kết của Hiệp định CPTPP

VOV.VN - 69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định CPTPP, 25% DN có hiểu biết nhất định, tỷ lệ các DN biết rõ về các cam kết CPTPP còn rất ít.

Doanh nghiệp lơ mơ về các cam kết của Hiệp định CPTPP

Doanh nghiệp lơ mơ về các cam kết của Hiệp định CPTPP

VOV.VN - 69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định CPTPP, 25% DN có hiểu biết nhất định, tỷ lệ các DN biết rõ về các cam kết CPTPP còn rất ít.

Việt Nam sau 1 năm vào CPTPP: Nhiều con số còn khiêm tốn
Việt Nam sau 1 năm vào CPTPP: Nhiều con số còn khiêm tốn

VOV.VN - Mặc dù cơ hội từ CPTPP đưa lại rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp, địa phương chưa thật sự tập trung để tận dụng khai thác cơ hội.

Việt Nam sau 1 năm vào CPTPP: Nhiều con số còn khiêm tốn

Việt Nam sau 1 năm vào CPTPP: Nhiều con số còn khiêm tốn

VOV.VN - Mặc dù cơ hội từ CPTPP đưa lại rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp, địa phương chưa thật sự tập trung để tận dụng khai thác cơ hội.