Thị trường chứng khoán năm 2023: “Gập ghềnh” nhưng vẫn đầy cơ hội
VOV.VN - Chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2022 đầy “sóng gió”, nhưng giới phân tích, nhà quản lý vẫn tự tin cho rằng thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn do có những điểm tựa vững chắc.
Một năm đầy biến động, thăng trầm
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã ghi một dấu ấn buồn trong năm 2022, khi chỉ số VN-Index liên tục xác lập kỷ lục mới vào đầu năm rồi suy giảm rất mạnh trong những tháng cuối năm. Cụ thể, từ mức 1.498 điểm khởi đầu năm, VN-Index rơi xuống ngưỡng 980 điểm cuối năm 2022. Trong năm, VN-Index đạt đỉnh 1.536,45 điểm vào ngày 10/1 và về đáy ở 873,78 điểm vào thời điểm trong ngày 16/11. Tính đến ngày 23/12, chỉ số VN-Index đạt 1.020,34 điểm, giảm 33,25% so với mức đỉnh được thiết lập đầu năm và giảm 31,9% so với cuối năm 2021. Giá trị vốn hoá 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tính đến ngày 23/12 ước đạt 5.278 nghìn tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62,2% GDP.
Không chỉ về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng bùng nổ với hàng tỷ cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên. Giá trị khớp lệnh thường xuyên vượt tỷ USD, đỉnh điểm vào ngày 10/1 khi thanh khoản toàn thị trường vượt hơn 2 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục mà TTCK Việt Nam chưa từng chạm đến trong quá khứ. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường đã sụt giảm đáng kể từ đầu năm đến nay. Từ mức giao dịch bình quân 31.160 tỷ đồng/phiên trong quý I, thanh khoản thị trường bắt đầu sụt giảm mạnh từ tháng 4 và xuống mức thấp nhất trong tháng 11 với giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.017 tỷ đồng/phiên, giảm 58,2% so với quý I. Tính chung từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.368 tỷ đồng/phiên, giảm 23,4% so với bình quân năm trước.
Cùng với đó, TTCK Việt Nam năm 2022 chứng kiến số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán tiếp tục gia tăng kỷ lục. Tính chung 11 tháng của năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 2,48 triệu tài khoản, gấp khoảng 2,58 lần so với cuối năm trước. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã gần 6,8 triệu tài khoản, tăng 57,7% so với cuối năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước tương đương hơn 6,7% dân số.
Đánh giá về TTCK năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, năm 2022, mặc dù thị trường điều chỉnh theo xu hướng giảm về điểm số và thanh khoản, song về cơ bản thanh khoản vẫn được duy trì và các hoạt động trên thị trường vẫn được đảm bảo. Thị trường biến động và gặp nhiều thách thức, nhưng thanh khoản bình quân vẫn đạt hơn 20.000 tỷ đồng/phiên là con số khả quan.
“Năm 2022, TTCK Việt Nam tiếp tục thể hiện tốt vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, góp phần quan trọng giúp Chính phủ, doanh nghiệp huy động hiệu quả nguồn vốn phục vụ cho đầu tư phát triển và sản xuất, kinh doanh”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá.
Một kết quả nổi bật cũng được đánh giá cao trong năm 2022 là ngành Chứng khoán đã tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trên TTCK. Qua 11 tháng của năm 2022, UBCKNN đã xử phạt hành chính 442 trường hợp, với tổng số tiền phạt 33,41 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có 3 trường hợp về tháo túng chứng khoán; 4 trường hợp bị áp dụng đình chỉ giao dịch; 15 trường hợp phải khắc phục hậu quả: buộc cải chính thông tin, trả tiền nhà đầu tư...
“Đây là điều chúng ta làm tốt trong năm qua và được thị trường ghi nhận, góp phần giúp niềm tin trên thị trường được củng cố, tạo tiền đề cho phát triển minh bạch, bền vững hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định.
TTCK năm 2023 sẽ "dễ thở" hơn?
Mặc dù vẫn chịu tác động từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu, nhất là sức ép từ lãi suất tăng, tuy nhiên, TTCK năm 2023 dự báo sẽ vẫn tăng trưởng so với chỉ số hiện nay. TTCK Việt Nam vẫn được định giá hấp dẫn so với tương quan khu vực, đồng thời tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết.
Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), năm 2023 đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục, dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022. Vì thế, năm 2023, TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ có xu hướng dao động đi ngang trong biên độ lớn.
“VN-Index trong năm 2023 sẽ dao động trong vùng điểm số khoảng 900 - 1.200 điểm, với mức cao nhất của chỉ số có thể lên đến 1.250 điểm - tương đương giảm gần 18% so với mức đỉnh của năm 2022”, chuyên gia của VCBS dự báo.
Còn theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), năm 2023 cả nền kinh tế, cũng như TTCK sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau.
“Trong những tháng đầu năm 2023, thị trường tăng phần lớn do định giá các tài sản hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó. Tuy nhiên, chúng tôi tự tin hơn từ giữa 2023 và kỳ vọng đà tăng sẽ vững chãi hơn”, ông Đinh Quang Hinh cho hay.
Chuyên gia của VNDIRECT cũng dự báo, VN-Index sẽ quay trở lại mức 1.300 - 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 - 12,5 lần.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho rằng, các yếu tố nội tại của TTCK gần đây xuất phát từ bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản (BĐS). Hai thị trường này có mối liên hệ khá chặt với hệ thống ngân hàng nên đã có tác động khá lớn đến nền kinh tế.
Trong năm 2023, lãi suất có khả năng hạ nhiệt, song cần chờ thêm mức lãi suất đó hạ có đủ hấp dẫn kích thích nhu cầu trên thị trường BĐS hay không. Và việc đáo hạn trái phiếu tạo ra các áp lực trong năm 2023, do đó, cần chờ dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua giúp giảm nhẹ những áp lực này.
“Những yếu tố nội tại của TTCK năm 2023 sẽ “dễ thở” hơn năm 2022 vì chính sách sẽ đi vào thực tế nhiều hơn. Chẳng hạn như sửa đổi Nghị định 65 sẽ thông qua, lãi suất có thể sẽ đảo chiều, đà tăng chậm dần và đảo chiều giảm, tỷ giá ổn định và giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn. Đó là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường”, bà Phương phân tích.
Trong kịch bản tích cực của SSI Research, thị trường vẫn có khả năng tăng trưởng từ 5 - 10% trong năm 2023, song, thị trường có thể vẫn “gập ghềnh” trong quá trình đi lên. Do đó, bà Hoàng Việt Phương cho rằng, đối với TTCK năm 2023 nên có tư duy phân chia giữa đầu tư dài hạn và ngắn hạn. Với đầu tư dài hạn, có thể nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong thời điểm hiện tại, có những doanh nghiệp đầu ngành nhà đầu tư chỉ có thể mua được ở thời điểm này với mức giá khá thấp, do đó, chỉ cần chọn thời điểm thích hợp để mua vào dần dần trong khoảng 6 tháng sắp tới.
“Đối với đầu tư ngắn hạn sẽ khó hơn nhiều vì năm 2023 vẫn sẽ là một năm gập ghềnh, có thể có những đợt lên xuống do những rủi ro của thị trường vẫn còn. Nhìn dài hạn, năm 2023 là một năm đầy cơ hội khi những khó khăn của thị trường đã được phản ánh vào định giá. Nhà đầu tư cần chờ thời điểm chính sách đi vào thực tế, giúp tất cả những rủi ro như lãi suất sẽ hạ nhiệt, các vấn đề trên thị trường BĐS, thị trường trái phiếu được tháo gỡ, khi đó TTCK chắc chắn sẽ phản ánh và đi trước tất cả các yếu tố đó”, chuyên gia của SSI Research khuyến nghị./.