Thị trường gas: Những kiểu làm ăn chụp giật

Khi nhu cầu sử dụng gas của người dân tăng mạnh, nạn làm gas giả, gas nhái cũng phát triển theo. Hệ lụy của nó là các nhà kinh doanh gas chân chính bị mất uy tín, tài sản; còn đối với người tiêu dùng đối mặt với những nguy hiểm tiềm ẩn

Gas giả, gas nhái hoành hành

Ông Nguyễn Sĩ Thắng - Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Gas Việt Nam cho hay, nhu cầu sử dụng gas ở Việt Nam tăng rất nhanh theo từng năm. Ông Thắng lấy dẫn chứng, nếu năm 1995, nhu cầu cả nước là 50.000 tấn thì năm 2000 là 320.000 tấn, năm 2005 là 850.000 tấn; dự báo năm 2009, nhu cầu cả nước khoảng 1.000.000 tấn, năm 2015 sẽ là 1.700.000 tấn.

Nhu cầu sử dụng gas dân dụng của người dân càng tăng mạnh cũng là lúc nạn làm gas giả, gas nhái hoành hành, làm đau đầu các nhà kinh doanh gas chân chính. Là một người khá am hiểu thị trường gas dân dụng Việt Nam, ông Vũ Phương, Phó phòng Kinh doanh gas Petrolimex cho hay, các đối tượng làm gas giả thường đi mua bình gas của một hãng có tiếng trên thị trường rồi về tự động sang chiết gas vào bình, tung ra thị trường bán; một thủ đoạn làm gas giả nữa là các đối tượng thường bơm nước vào bình gas, khi giao cho khách hàng cân bình gas thì thấy vẫn đủ khối lượng.

Đối với gas nhái, các đối tượng kinh doanh gas cố tình thiết kế bình gas có màu trông rất giống những hãng gas có tiếng để gây ra sự ngộ nhận đối với người tiêu dùng. Không giấu nổi vẻ bức xúc, ông Phương lấy dẫn chứng trường hợp bình gas của Vạn Lộc, Gia Định… có màu rất giống với Petrolimex nên nhiều người tiêu dùng mua nhầm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hải Phòng cho hay, hiện nay tình trạng sản xuất, kinh doanh, sang chiết gas lậu đang diễn biến phức tạp, xử lý không xuể. Chỉ mới đây thôi, Chi cục QLTT thành phố Hải Phòng đã triệt phá, phạt hàng chục triệu đồng đối với các cơ sở tự ý sang chiết nạp gas trái phép, vi phạm về khối lượng gas… Cụ thể, QLTT thành phố Hải Phòng đã phạt 10 triệu đồng với hành vi sang chiết nạp gas trái phép của cửa hàng xăng dầu gas Thành Đạt, địa chỉ tại An Tràng, An Lão, Hải Phòng; phạt 3 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về khối lượng và kinh doanh gas quá hạn kiểm định của cửa hàng đại lý gas Liên Hạnh, địa chỉ tại Tổ 12 khu 2 Cát Bà…

Cũng trong thời gian qua, Đội QLTT quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra và phát hiện một công ty TNHH trên đường số 8, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức đang sản xuất gas giả. Tại hiện trường, có 30 bình gas loại 12kg mang nhãn hiệu khác nhau và gần 2.000 vỏ bình đều không có hoá đơn chứng từ. Một số hãng gas mà người đại diện (xin không nêu tên hãng) có mặt tại hiện trường đều khẳng định số gas trên là hàng giả nhãn hiệu của hãng.

Chiếm dụng tài sản của hãng khác

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Thành Đôn, Phó Tổng giám đốc Thăng Long gas khẳng định, bình gas là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, chiếm khoảng 60-70% tổng giá trị tài sản. Đầu tư vào sản xuất hay đặt mua bình gas chi phí khá lớn, đơn vị sở hữu bình gas phải đóng thuế, phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chi phí quảng bá cho thương hiệu… chưa kể các chi phí bảo dưỡng, sơn sửa, kiểm định. Thực tế, doanh nghiệp phải mất nhiều năm kinh doanh gas mới khấu hao được tiền đầu tư mới bình gas.

Ông Đôn cho biết, trước đây, Thăng Long gas tung ra thị trường khoảng 600.000 bình gas để phục vụ khách hàng. Thế nhưng, đến nay ước tính chỉ còn 400.000 bình gas. 200.000 bình gas kia, theo ông Đôn là có thể đã bị cắt tai để mang nhãn hiệu một hãng nào đó. Ông Đôn phân tích, nếu đầu tư một vỏ bình gas mới, doanh nghiệp mất khoảng 400 ngàn đồng; nếu mua bình trôi nổi trên thị trường thì doanh nghiệp chỉ mất 180-190 ngàn đồng, cộng thêm khoảng 40 ngàn tiền thay tai và sơn thì sẽ được một bình mới, do vậy chi phí đầu tư bình gas quá rẻ so với doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ông Đôn chua chát, tại một số xưởng sắt ở Thạch Thất, Hà Nội, họ xếp bình gas như “lợn con”, ai có nhu cầu mua bình gas thì họ bán lại…

Ông Vũ Phương khẳng định, một số lượng không nhỏ bình gas của Petrolimex cũng đã bị cắt tai, bị doanh nghiệp khác chiếm dụng. Ông Phương phân tích, thông thường bình gas ở khu vực đô thị khoảng 2 tháng, khu vực nông thôn khoảng 4 tháng

“Doanh nghiệp khác “ăn cắp” bình gas của Thăng Long gas mà chúng tôi không làm gì được, càng mất nhiều bình gas, gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp càng nhiều...” - Ông Nguyễn Thành Đôn - Phó TGĐ Thăng Long gas.

thì quay vòng trở lại với công ty để tiến hành chiết nạp gas rồi đưa ra thị trường. Cũng cùng một lượng gas tiêu thụ ở mỗi chu kỳ kinh doanh, nhưng số vỏ bình ở chu kỳ đầu thì đựng được hết gas, số vỏ bình thu về ở chu kỳ tiếp theo thì lại không đựng được hết gas, điều này chứng tỏ một lượng vỏ bình đã bị mất. Để bù vào lượng bình gas thiếu, bắt buộc công ty phải xuất vỏ bình gas dự trữ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một số cửa hàng, đại lý kinh doanh gas để tối đa hoá lợi nhuận còn tham gia mua đi, bán lại bình gas, tiếp tay cho việc buôn, bán bình gas trổi nổi trên thị trường. Để chống lại việc làm này, các công ty thường bắt buộc đại lý, cửa hàng cược vỏ bình khoảng 300 ngàn đồng/bình. Thế nhưng, đại lý, cửa hàng lại ép khách hàng cược vỏ bình 300 ngàn đồng/bình và như vậy, họ đã nhẹ nhàng lách qua “rào cản” của công ty.

Thời gian qua, đã xuất hiện một kiểu lừa đảo người tiêu dùng gas. Ông Nguyễn Đức Thành - Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, một số công ty kinh doanh gas tư nhân đã cử nhân viên mặc đồ giả dạng nhân viên của các công ty gas chính hãng, vào nhà người dân để kiểm tra bộ van an toàn của bình gas. Dù bộ van còn rất tốt nhưng sau khi kiểm tra, họ đã đưa ra những nhận xét không chính xác, buộc các hộ gia đình phải thay dây van hoặc van an toàn với giá rất cao. Đây là một hành vi lừa đảo người tiêu dùng cần được xử lý nghiêm khắc.

Được biết, để chấn chỉnh thị trường gas còn nhiều “lộn xộn”, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đang tiến hành soạn thảo Nghị định mới cho lĩnh vực này. Trong số báo tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên