Thị trường Hoa Kỳ và bài học từ các vụ kiện

Mỹ luôn là một thị trường xuất khẩu hấp dẫn, song “cái bể lớn đầy cá” đó cũng  tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đòi hỏi các “ngư dân” phải có kiến thức và kinh nghiệm, đặc biệt là tình đoàn kết. 

Từ chuyện mừng, lo

Thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa có 14 đề xuất nhằm tăng cường việc thi hành pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lo ngại sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn mới nếu các đề xuất được thông qua.

Một phần nội dung quan trọng của 14 sửa đổi này liên quan đến quy trình và cách thức điều tra đối với các nước có nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam, theo hướng thắt chặt và gây bất lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài nhằm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Theo Luật sư William H. Barringer, thuộc hãng luật Winston & Strawn của Mỹ: “Ảnh hưởng của gói thi hành luật này vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhưng mục tiêu của nó là làm cho việc đưa ra các vụ kiện, tiến hành vụ kiện trở nên hấp dẫn hơn đối với các nguyên đơn trong nước và vì vậy khuyến khích các nền công nghiệp của Hoa Kỳ đưa ra thêm vụ kiện”.

Tuy nhiên, Luật sư William H. Barringer cũng khẳng định, điều này không hề tác động xấu đến nền kinh tế của Việt Nam. Thậm chí, đó còn là dấu hiệu chứng tỏ Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành công nghiệp có sức cạnh tranh hơn và thành công hơn trên thị trường quốc tế.

“Các vụ kiện chỉ diễn ra khi mà ngành công nghiệp hoặc doanh nghiệp thực sự thành công trên thị trường Hoa Kỳ, vì vậy càng nhiều vụ kiện càng chứng tỏ ngành công nghiệp của các bạn đang phát triển tốt, đang thành công tại thị trường này và ngày càng trở nên cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế”- Luật sư William H. Barringer nói.

“Khi vụ kiện xảy ra, các bạn đừng hoảng sợ mà nên tìm gặp các chuyên gia để được tư vấn, sau đó bình tĩnh đối phó.

Những địa chỉ tư vấn:

* VCCI, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hoàn toàn có thể giải thích, tư vấn ban đầu cho các công ty khi vụ kiện xảy ra.

* VACEP hay các công ty đã tham gia vào các vụ kiện cũng là nguồn thông tin rất tốt mà các công ty khi phải đối mặt với vụ kiện có thể tham khảo.

* IDVN - cộng tác của hãng luật Winston & Strawn tại Việt Nam”.

Luật sư William H. Barringer

Đến bài học đoàn kết…

Luật sư William. H. Barringer đã tư vấn rất hiệu quả cho Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá tôm, ông cho biết: “Trong vụ kiện tôm chúng tôi đã thấy một mô hình khá thành công là các doanh nghiệp đã hợp tác với nhau”.

Ông William cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ đã cùng nhau chia sẻ chi phí của vụ kiện, cùng nhau học hỏi tham gia các đợt đào tạo và một trong những điểm rất thành công là các doanh nghiệp đã cùng nhau xây dựng nên một phần mềm chung để tính giá thành mới cho các doanh nghiệp, giúp các công ty có sự chuẩn bị tốt hơn, cũng như quản lý tốt hơn cái hệ thống kế toán sổ sách của mình, đồng thời giúp họ khi tham gia vào vụ kiện cũng nhẹ nhàng và đỡ tốn kém hơn  rất nhiều.

Luật sư cũng lưu ý một vấn đề rất quan trọng mà các nhóm doanh nghiệp cần phải làm ngay khi có một vụ kiện xảy ra đối với họ. Theo đó cần tìm hiểu ngay, công ty nào sẽ có khả năng bị lựa chọn là “bị đơn bắt buộc” và liệu họ có tham gia vào vụ kiện một cách nghiêm túc để có được một thuế suất tốt hay không. Đây cũng chính là kinh nghiệm vụ kiện về túi nhựa PE Việt Nam do Hoa Kỳ khởi xướng hồi tháng 4/2009. DOC đã lựa chọn bị đơn bắt buộc là các doanh nghiệp có khối lượng xuất khẩu túi nhựa PE sang Mỹ lớn nhất của Việt Nam, gồm: Advance Polibag Co., (API); Fotai Vietnam Enterprise Cooperation (Fotai Vietnam) và Chin Sheng Company (Chin Sheng).

Trong quá trình diễn ra vụ kiện, API thông báo rút hoàn toàn khỏi vụ điều tra trước khi việc thẩm tra thực địa được tiến hành nên theo quy định của Hoa Kỳ, DOC quyết định sử dụng thông tin sẵn có bất lợi để tính toán toàn bộ biên độ trợ cấp của API.

Trong khi đó, Fotai không hợp tác một phần quá trình điều tra thực địa (đối với một số các Chương trình trợ cấp bị cáo buộc) nên Fotai sẽ bị áp dụng thông tin thực tế sẵn có khi DOC xác định biên độ trợ cấp của Chương trình trợ cấp liên quan.

Việc 2 trong số 3 bị đơn bắt buộc rút khỏi vụ điều tra (hoàn toàn hoặc một phần) đã dẫn tới việc DOC áp dụng thông tin thực tế sẵn có. Luật sư nói: “Đây là một điều rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến kết quả điều tra do thông tin thực tế sẵn có thường là thông tin do phía nguyên đơn cung cấp, rất bất lợi cho phía  Việt Nam – bên bị đơn. Biên độ trợ cấp, và tương ứng với đó là mức thuế chống trợ cấp, của các bị đơn tương ứng vì thế cũng bị tăng lên đáng kể”.

Trên thực tế, API đã bị áp thuế chống trợ cấp cuối cùng là 52,56% (quá cao so với mức thuế chống trợ cấp sơ bộ 0,2% khi API còn hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra).

Fotai bị sử dụng thông tin sẵn có bất lợi cho một số chương trình trợ cấp liên quan, biên độ trợ cấp chung được tính ra cho công ty này là 5,28% (so với biên độ 4,24% trong điều tra sơ bộ khi Fotai có sự hợp tác đầy đủ).

Trong khi đó, chỉ có Chin Sheng có sự hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra từ đầu đến cuối (đặc biệt là thẩm tra thực địa) nên biên độ trợ cấp cuối cùng mà DOC tính cho công ty này chỉ là 0,44% và coi như không bị áp thuế so với mức 1,69% trong điều tra sơ bộ.

Điều đáng nói, kết quả điều tra của 3 bị đơn bắt buộc đã ảnh hưởng lớn đến các công ty khác không được lựa chọn điều tra. Theo quy định, biên độ của các công ty hợp tác nhưng không được lựa chọn điều tra (bị đơn tự nguyện) sẽ được tính bằng bình quân gia quyền biên độ trợ cấp của các bị đơn bắt buộc, trừ các biên độ tính toán hoàn toàn dựa trên thông tin thực tế sẵn có. Trong vụ việc này, trong khi biên độ trợ cấp sơ bộ của các bị đơn tự nguyện được tính là 2,97%, nhưng cuối cùng đã bị tăng lên thành 5,28%.

Ông William khẳng định: “Vụ việc cho thấy, việc bị đơn bắt buộc không hợp tác gây ra thiệt hại như thế nào cho kết quả toàn cục của vụ điều tra”.

Vì vậy, theo ý kiến của các luật sư tư vấn và chuyên gia thì việc tập hợp các doanh nghiệp từ đầu vụ kiện để thống nhất hành động, tham gia ý kiến với DOC trong việc lựa chọn bị đơn bắt buộc và các bị đơn được lựa chọn điều tra có sự cam kết tham gia đầy đủ là rất quan trọng.

Ngoài ra, cũng có khuyến nghị cho rằng các bản trả lời của các bị đơn nên được gửi trước cho các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam để luật sư tư vấn có thể kiểm soát trước và khuyến nghị điều chỉnh phù hợp để đạt được kết quả thống nhất.

Trong vụ kiện về túi nhựa, khi hai bị đơn quyết định không theo kiện giữa chừng đã khiến mức thuế suất của DOC đưa ra rất cao
Trong vụ kiện túi nhựa, khi API bỏ cuộc hoàn toàn, Fotai đã rất tích cực hợp tác nhưng lại không có đủ thông tin về cung cấp trong một số trường hợp và không đảm bảo sự thống nhất trước sau khi cung cấp thông tin. Điều này cũng dẫn tới việc Fotai bị áp dụng thông tin thực tế sẵn có bất lợi trong một số cáo buộc trợ cấp. Đây là bài học rất đáng lưu ý cho các trường hợp sau này, rằng việc hợp tác không chỉ bao gồm thiện chí tham gia mà cần có đủ thông tin và có chiến lược cung cấp thông tin thống nhất.

… và sự gắn kết lợi ích Việt Nam của các doanh nghiệp FDI

Trong vụ kiện túi nhựa PE cũng như trong nhiều trường hợp có thể xảy ra khác, khả năng các doanh nghiệp FDI được lựa chọn để làm bị đơn bắt buộc là rất lớn.

Điều bất cập là trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có lợi ích gắn kết bền chặt  với sự phát triển ngành của Việt Nam thì các doanh nghiệp FDI lại không như vậy, họ dễ dàng chuyển sản xuất sang nước khác nếu hàng Việt Nam bị áp đặt biện pháp phòng vệ và vì vậy họ dễ “bỏ lửng” hoặc thậm chí “bỏ rơi” vụ điều tra. Nếu kết quả bất lợi thì cùng lắm họ tuyên bố phá sản, đóng cửa nhà máy ở Việt Nam và di chuyển sản xuất sang nước khác.

Trong vụ điều tra này, API và Fotai đều là các doanh nghiệp FDI có các cơ sở sản xuất khác ở nước ngoài. Việc các công ty Việt Nam bị chịu mức thuế cao ở một góc độ nào đó có thể khiến mức độ cạnh tranh của các công ty Việt Nam giảm trên thị trường Hoa Kỳ, nhưng lại tạo lợi thế cho các công ty con của chính doanh nghiệp này nước ngoài (nếu có).

Thực tế, sau khi API thông báo rút khỏi cuộc điều tra tháng 10/2009 và đến tháng 2/2010 thì họ hoàn thành toàn bộ thủ tục đóng cửa nhà máy ở Việt Nam. Như vậy thuế có cao bao nhiêu chăng nữa thì họ cũng không bị ảnh hưởng, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại nặng nề từ việc các “bị đơn bắt buộc” bỏ cuộc.

Chính vì vậy, các luật sư và chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần nghĩ đến một cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với các doanh nghiệp FDI, để hạn chế hiện tượng này. Chẳng hạn, khi cấp đăng ký kinh doanh/thành lập doanh nghiệp FDI thì buộc doanh nghiệp phải cam kết hành động vì lợi ích chung của Việt Nam và nếu đi ngược lại thì sẽ phải bồi thường thiệt hại.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên