Thị trường khách sạn và resort Việt Nam sẽ tăng trưởng nhảy vọt?
VOV.VN -CBRE dự báo, tương lai thị trường khách sạn Việt Nam sẽ chứng kiến sự sôi động của mảng khách sạn và resort 5 sao với mức tăng trưởng nhảy vọt.
Đánh giá về thị trường khách sạn ở Việt Nam, ông Robert Mcintosh, Giám đốc chuyên trách Châu Á – Thái Bình Dương của Công ty CBRE dự báo, trong tương lai, thị trường khách sạn Việt Nam sẽ chứng kiến sự sôi động của mảng khách sạn và resort 5 sao với mức tăng trưởng nhảy vọt.
Nhiều “ông lớn” quản lý khách sạn nhằm tới thị trường Việt Nam
Là người có 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về thị trường bất động sản và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sản, ông Robert Mcintosh cho rằng: Lượng khách du lịch đến quốc gia nào đó là một trong các yếu tố quan trọng quyết định tăng trưởng của thị trường khách sạn tại quốc gia đó.
Lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng hứa hẹn góp sức đẩy tăng trưởng tốt cho thị trường khách sạn (Ảnh minh họa: KT) |
Đối với Việt Nam, trong năm 2015, tăng trưởng về lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch không cao, khi chỉ đạt hơn 7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, cao hơn Úc nhưng vẫn thấp hơn một số các quốc gia khác trong khu vựcChâu Á Thái Bình Dương như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Năm 2015 lượng khách quốc tế của Việt Nam tăng gần như không đáng kể so với mức tăng hơn 40% của Nhật Bản hay 10% của Indonesia, tuy nhiên nửa đầu năm 2016 đã chứng kiến sự tăng trưởng 21% của lượng khách quốc tế, dẫn đến sự lo ngại của Tổng cục Du lịch Thái Lan về sự trỗi dậy của du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Hàn Quốc, theo tờ Bangkok Post.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính số khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2016 đạt 899.738 lượt, tăng 6,3% so với tháng 7/2016 và tăng 34,4% so với tháng 8/2015. Ước tính tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng năm 2016 đạt 6.452.373 lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt. Sau hơn 1 năm suy giảm liên tục, lượng khách quốc tế đã tăng liên tục trở lại ở mức 2 con số trong năm 2016.
Theo phân tích của ông Robert Mcintosh, chính sách miễn thị thực đồng thời cũng nâng cao lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lên mức 13,5% theo năm đối với thành phố Hồ Chí Minh, 39,3% theo năm đối với Hà Nội, và 39% theo năm đối với Nha Trang.
Đặc biệt, ông Robert Mcintosh nhìn nhận tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường khách sạn Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng. Các đơn vị quản lý khách sạn danh tiếng trên thế giới như Accor, IHG, Marriott, Hilton, và Starwood đang tiếp tục nhắm tới Việt Nam. Ngoài ra, một số các dự án có quy mô từ các chủ đầu tư lớn như Vingroup và Sun Group cũng góp phần xây dựng và phát triển các cụm du lịch ở các thành phố ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, và mới đây là Phú Quốc với gần 200 dự án được cấp phép trong năm 2015. Các chuỗi khách sạn và đơn vị quản lý khách sạn nổi tiếng như Wyndham, Holiday Inn và Pan Pacific cũng đang gia nhập thị trường Việt Nam.
Khách sạn và resort 5 sao sẽ tăng trưởng nhảy vọt
Dẫn chứng về những dấu hiệu tích cực trên thị trường khách sạn Việt Nam, ông Robert Mcintosh chỉ ra rằng, tại TPHCM đang nhộn nhịp với các giao dịch mua bán khách sạn và sự gia nhập của một vài nhà đầu tư mới, trong đó đáng chú ý là việc khách sạn Duxton Hotel Saigon ở Quận 1 được chuyển nhượng và đổi tên thành Saigon Prince, khách sạn Holiday Inn & Suites Airport đang được xây dựng, khách sạn 4 sao Bay Hotel trên đường Ngô Văn Nam, Quận 1 sắp đi vào hoạt động.
Công suất phòng của khách sản 5 sao tại Hà Nội tăng trưởng ấn tượng so với cách đây vài năm (Ảnh minh họa: KT) |
Bên cạnh đó, Nha Trang cũng chứng kiến giai đoạn 2 của dự án Cam Ranh Riviera Beach & Resort đi vào khởi công đồng thời đón chào 1,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 17% theo năm đối với lượng khách nội địa và tăng 39% theo năm đối với lượng khách quốc tế.
Còn tại Hà Nội, mảng khách sạn 5 sao vẫn tiếp tục hoạt động ổn định sau khi đạt công suất phòng trung bình 75%, là sự tăng trưởng ấn tượng so với cách đây vài năm. Trong khi đó, việc Novotel Suites Hanoi đi vào hoạt động làm tăng tổng cung của mảng khách sạn 4 sao lên 6,1% theo quý.
Ở Đà Nẵng, chỉ số giá phòng bình quân ADR trong qúy 2 của khách sạn 4 sao và 5 sao tăng tương ứng 14,8% và 2,9 % theo năm. Công suất của hai mảng này cũng tăng tương ứng 2,1% và 1,4% trong quý.
Về sở thích của khách thuê phòng, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE nhận thấy rằng, khách du lịch bụi thường chuyển từ khách sạn 4 sao xuống khách sạn 3 sao có cùng chất lượng và dịch vụ nhưng với giá thấp hơn trong khi khách du lịch hạng sang chọn khách sạn 5 sao với các gói ưu đãi tốt thay vì khách sạn 4 sao. Nguồn cung các khách sạn phục vụ khách du lịch với mục đích công việc đã và đang tăng lên cũng nhằm tới sự gia tăng nhu cầu từ khách tới các thành phố với mục đích công tác.
Với việc lượng khách tới Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian tới, Tổng Giám đốc CBRE tin rằng công suất của các khách sạn trong thành phố sẽ vẫn giữ ở mức ổn định hoặc thậm chí tăng.
Đặc biệt, “trong tương lai, thị trường khách sạn Việt Nam sẽ chứng kiến sự sôi động của mảng khách sạn và resort 5 sao với mức tăng trưởng nhảy vọt do có thêm nhiều khách sạn 5 sao được trông đợi sẽ mở cửa ở thành phố Hồ Chí Minh cho đến năm 2017, trong khi Hà Nội dự kiến đón gần 1.000 phòng khách sạn 5 sao từ một số dự án như Landmark 72 vào cuối năm 2016, khách sạn Văn Miếu Mercure Hotel đang được xây dựng, Vietinbank Tower và Hilton Hanoi Westlake dự kiến mở cửa trong 2 năm tới. Tập đoàn Starwood cũng dự kiến mở thêm 6 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới trải dọc Việt Nam trong giai đoạn từ 2016 đến 2019”- Robert Mcintosh kỳ vọng./.