Thị trường phát điện cạnh tranh: Còn nhiều đơn vị tham gia gián tiếp

VOV.VN - Thị trường phát điện cạnh tranh vẫn còn nhiều đơn vị tham gia gián tiếp, đạt khoảng 42% công suất các nhà máy tham gia.

Từ chỗ ban đầu chỉ có 31 nhà máy điện tham gia thị trường điện với tổng công suất lắp đặt là 9.300MW, sau hơn 3 năm vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh, đến nay đã có 59 nhà máy điện với tổng công suất 14.796MW trực tiếp tham gia thị trường điện. Hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong việc huy động nguồn các nhà máy điện.

42% công suất các nhà máy tham gia thị trường

Tổng kết thị trường phát điện cạnh tranh thời gian từ 1/7/2014 đến 30/6/2015 đã cho thấy rõ hơn tính đúng đắn của việc triển khai thị trường điện ở nước ta. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho thấy vẫn còn khá nhiều bất cập.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù những năm gần đây, công tác đầu tư được quan tâm chú trọng, song do năng lực còn hạn chế, nhu cầu vốn đầu tư cần lớn nên đã dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa nguồn và lưới truyền tải và phân phối điện. Điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ ở một số nơi, một số thời điểm vận hành không được ổn định, tựu chung là cơ sở hạ tầng hệ thống điện còn yếu.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, mặc dù cho đến nay đã tăng gần gấp đôi số nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, tuy nhiên tỷ lệ nhà máy điện chưa tham gia thị trường vẫn còn khá lớn.

“Một trong những tồn tại của thị trường phát điện cạnh tranh là những đơn vị tham gia gián tiếp thị trường còn rất nhiều. Hiện mới chỉ có 42% công suất các nhà máy tham gia thị trường. Do đó, các đơn vị đặc biệt là 3 tập đoàn Điện lực, Dầu khí và Than - Khoáng sản cần có sự chuẩn bị tốt cho các nhà máy mới, các nhà máy chưa tham gia thị trường để trong thời gian sớm nhất có thể tham gia”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ rõ.

Hiện mới chỉ có 42% công suất các nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. (Ảnh: Internet)
Về phía các chủ nhà máy thủy điện, việc áp dụng quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão cũng đã hạn chế khả năng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Đặc biệt, với một số nhà máy thủy điện phải ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp trong mùa kiệt đã bị buộc đưa ra khỏi thị trường.

Giám đốc Nhà máy Thủy điện Đại Ninh, ông Võ Tăng Lý cho biết, vào mùa kiệt, công ty không chỉ bị hạn chế về mặt phát điện mà còn thiệt hại lớn về giá bán điện: “Khi bị đưa ra khỏi thị trường, giá điện cũng bị giảm đi. Ví dụ tháng 1 bán được 660 đồng/kWh, tháng 2 còn 655 đồng/kWh nhưng tháng 3 chỉ còn 470 đồng/kWh vì trong tháng 3 nhà máy bị đưa ra khỏi thị trường nên giá bị giảm thấp. Sang tháng 4 giá bán trung bình của của nhà máy chỉ còn 430 đồng/kWh”, ông Lý nói.

Cũng là những bất cập về giá bán điện, nhưng với Công ty CP thủy điện GERUCO - Sông Kôn lại là vấn đề giá công suất thị trường. Cụ thể, khi ban hành khung pháp lý cho thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã xác định nguyên tắc xây dựng giá công suất thị trường là đảm bảo cho nhà máy điện mới thu hồi chi phí phát điện. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn hạn chế khi không thay đổi trong năm áp dụng và trong công thức tính giá không có tham số tỷ giá, do đó việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

“Việc xây dựng khung giá mang tính tương đối, như về giá công suất (giá KEN) thì những ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô ảnh hưởng rất nhiều đến giá này. Trong 1 năm, nhà máy chỉ được xem xét và Cục điều tiết thông qua giá KEN 1 lần, nhưng nếu năm nay giá KEN đã được thông qua nhưng tỷ giá tăng đến 3% sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của cộng đồng”, bà Trần Thị Oanh, Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện GERUCO - Sông Kôn cho hay.

Cần có 5 Tổng công ty phát điện độc lập

Cùng với việc chậm ban hành các văn bản, khung pháp lý, thông tư hướng dẫn liên quan đến vận hành thị trường điện cạnh tranh, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ dẫn đến việc chưa thu hút và đáp ứng được sự tham gia của đông đảo các nhà máy điện thời gian qua.

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn, để tăng tối đa các nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, Cục Điều tiết điện lực sẽ chỉ đạo, đôn đốc tất cả các nhà máy điện, đặc biệt là các đơn vị phát điện thuộc các tập đoàn kinh tế lớn như tập đoàn điện lực, dầu khí và than khoáng sản tham gia vào thị trường điện.

“Cục Điều tiết điện lực sẽ ban hành thêm các văn bản quy định, hướng dẫn các đơn vị trong vấn đề chuẩn bị tham gia thị trường điện. Bên cạnh đó, Cục Điều tiết điện lực cũng xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà máy điện nhằm nâng cao được tỷ lệ các nhà máy điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Còn theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, cùng với việc yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng Đề án, sớm đưa các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các nhà máy điện được xây dựng dưới hình thức liên doanh liên kết, có vốn đầu tư nước ngoài… như các nhà máy BOT vào tham gia thị trường, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng cần phải kịp thời công cấp thông tin về thị trường điện; công bố báo cáo vận hành thị trường cho các bên tham gia thị trường và khách hàng để tạo sự minh bạch.

Đặc biệt, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ rõ: Thị trường điện hiện nay đang có sự tham gia của 5 Tổng công ty phát điện (Genco), nhưng trong đó có 3 Genco thuộc EVN, 1 Genco thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản và 1 Genco thuộc tập đoàn dầu khí. “Thời gian tới cần nhanh chóng tái cơ cấu ngành điện, tách 3 Genco ra khỏi EVN để có 5 Genco hoạt động độc lập, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Từ 1/7, chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh
Từ 1/7, chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh

Với việc vận hành theo thị trường thì phải theo quy luật cung – cầu, chuyện lên/xuống giá điện sẽ theo thị trường.

Từ 1/7, chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh

Từ 1/7, chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh

Với việc vận hành theo thị trường thì phải theo quy luật cung – cầu, chuyện lên/xuống giá điện sẽ theo thị trường.

Có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng chưa thể giảm giá điện
Có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng chưa thể giảm giá điện

Trong một thời gian dài, giá điện của Việt Nam khá thấp, đến nay các nhà máy chào với giá cao hơn giá đang quy định hiện hành.

Có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng chưa thể giảm giá điện

Có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng chưa thể giảm giá điện

Trong một thời gian dài, giá điện của Việt Nam khá thấp, đến nay các nhà máy chào với giá cao hơn giá đang quy định hiện hành.

55 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh
55 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh

Bên cạnh đó, 18 nhà máy điện khác cũng tạm thời gián tiếp tham gia thị trường.

55 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh

55 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh

Bên cạnh đó, 18 nhà máy điện khác cũng tạm thời gián tiếp tham gia thị trường.