Thị trường xuất khẩu tôm ghi nhận những chuyển biến tích cực
VOV.VN - Với diện tích nuôi đạt khoảng 280.000 ha, con tôm chính là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, cả doanh nghiệp và người dân nuôi tôm trên địa bàn Cà Mau gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, thị trường xuất khẩu tôm đã có những chuyển biến tích cực. Giá tôm nguyên liệu cũng được kích cầu, tăng trở lại. Tuy chưa được như kỳ vọng nhưng đây là những tín hiệu tích cực để ngành tôm Cà Mau dần ổn định và phát triển thời gian tới.
Con tôm liên quan đời sống 70% người dân tỉnh Cà Mau. |
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường trong tháng 3 chỉ xuất khẩu được 5 container hàng nhưng từ tháng 4 đến nay công ty đã xuất được 25 container hàng. Các thị trường lớn của công ty là Trung Quốc, EU, Hàn Quốc đã nhập hàng trở lại.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát những tháng đầu năm thị trường xuất khẩu tôm gần như bị “đóng băng”, công ty của ông như “ngồi trên lửa”. Nhưng hiện việc xuất khẩu mặt hàng tôm đang dần ổn định và những tín hiệu tích cực đã được thể hiện rõ.
Nhờ việc vẫn duy trì hoạt động xuất thời gian qua, công ty Minh Cường đang có lượng hàng dự trữ dồi dào để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu sắp tới. Đặc biệt, “Cuộc chiến chống dịch Covid-19” hiệu quả ở nước ta đã tạo lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng có lợi thế trong việc cạnh tranh với các nước khác. Cũng từ đó, kế hoạch đạt giá trị xuất khẩu 35 triệu USD của công ty Minh Cường trong năm nay rất khả quan.
“Thị trường Trung Quốc và Châu Âu đã nhập hàng trở lại. Tầm này năm ngoái công ty xuất khoảng 4 triệu thì hiện đã tương đương. Nhờ chủ động trước nên dù gặp khó khăn trong dịch nhưng kế hoạch tăng trưởng năm nay vẫn đảm bảo. Công ty chúng tôi có thể đạt và vượt kế hoạch. Sau dịch, thị trường thông thoáng, việc tăng trưởng sẽ nhanh hơn”, ông Tuấn nêu rõ.
Thị trường xuất khẩu tôm đang dần ổn định. |
Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước trên địa bàn hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp ngành tôm để thu mua nguyên liệu khôi phục sản xuất và kích cầu giá tôm, giúp nông dân vượt khó. Các doanh nghiệp trên địa bàn đang đẩy mạnh thu mua hàng nên giá tôm đã có những chuyển biến.
Vào tháng 2 và tháng 3, giá tôm thẻ nguyên liệu tại Cà Mau lao dốc còn khoảng 70.000 đồng/kg loại 100 con/kg; loại 60 con giá khoảng 85.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, giá tôm thẻ loại 100 con/kg đã đạt mức khoảng 85.000 đồng/kg; loại 60 con giá đã tăng trên 100.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Cái Bát, các nhà máy đang nâng giá thu mua tôm để dự trữ. Khi các thị trường ổn định lại sẽ có hàng cung cấp cho các đối tác.
"Nguồn nguyên liệu hiện nay ít do thời gian vừa qua giá thấp, ít người nuôi và độ mặn tăng cao nuôi cũng khó thành công hơn. Giá tôm hiện đang tăng lên và sẽ còn tăng lên nữa trong thời gian tới”, ông Lâm cho biết.
Trong hội nghị kiểm điểm chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu ngân hàng nhà nước trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ngoài ra, các sở ban ngành, các địa phương cần thực hiện các giải pháp cấp bách để thúc đẩy ngành tôm.
Giá tôm thẻ nguyên liệu đã tăng trở lại. |
Trong đó, việc chủ động tìm kiếm các thị trường mới cũng được ông Nguyễn Tiến Hải chỉ rõ: “Những nước thị trường dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta nên sớm kết nối lại. Còn với những thị trường mà diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, có thể kéo dài hơn nữa, chúng ta không thể ngồi trông chờ mà phải tìm kiếm thị trường mới. Việc này đòi hỏi sự năng động của các ngành, các cấp đặc biệt là của ngành công thương và bản thân doanh nghiệp”.
Con tôm liên quan đến đời sống khoảng 70% dân số của tỉnh Cà Mau. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có những chỉ đạo cụ thể để ngành tôm vượt khó. Những dấu hiệu chuyển biến đã được thể hiện rõ. Tuy nhiên, trong vấn đề hỗ trợ vốn, các doanh nghiệp ngành tôm vẫn đang rất khó tiếp cận, nếu tiếp cận được cũng rất “nhỏ giọt”. Trong khi, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lại chính là trung tâm để kích cầu thị trường tôm. Vì thế, sẽ cần những giải pháp mạnh mẽ hơn./.