Bắc Ninh chủ động bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023
VOV.VN - UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt 5 nhóm hàng: trứng gia cầm, thịt lợn, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến và bánh, mứt, kẹo các loại được bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 với nguồn kinh phí 60 tỷ đồng, được tạm ứng từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Theo dự báo của ngành chức năng, dịp cuối năm và cận Tết là thời điểm hàng hóa lưu thông lớn, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, dẫn đến hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Trước tình trạng đó, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh tập trung kiểm tra chặt chẽ những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Quần áo, giày dép, bánh kẹo, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát...; đặc biệt, chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối... Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm hành chính và phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, chương trình bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 có 5 nhóm hàng được bình ổn giá bao gồm: trứng gia cầm, thịt lợn, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến và bánh, mứt, kẹo các loại.
Nguồn kinh phí được tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng, với lãi suất 0% cho 4 doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình là Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam với 25 tỷ đồng, Công ty TNHH Trường Giang Invesment với 21 tỷ đồng, Công ty cổ phần siêu thị Huy Hùng với 9 tỷ đồng, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Vĩnh Giang với 5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu dùng của 5 nhóm mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh.
Giá bán các mặt hàng trong Chương trình phải đảm bảo luôn thấp hơn giá bán các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm trên thị trường ít nhất 5% trong suốt thời gian thực hiện Chương trình. Thời gian thực hiện chương trình bình ổn giá từ ngày 1/1 - 30/6/2023./.