Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công ty tài chính tiêu dùng

VOV.VN - NHNN cần sớm ban hành cơ chế quản lý phù hợp đối với hoạt động cho vay tiêu dùng bởi một khi có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và minh bạch.

Với thủ tục vay đơn giản, không đòi hỏi tài sản thế chấp, sản phẩm cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) đã dần thu hút được lượng lớn khách hàng, đặc biệt là những đối tượng không đủ điều kiện vay tiền tại ngân hàng. Để minh bạch hoá hoạt động của các CTTC, các chuyên gia cho rằng, NHNN cần sớm ban hành cơ chế quản lý phù hợp đối với hoạt động cho vay tiêu dùng bởi một khi có sự cạnh tranh lành mạnh,bình đẳng và minh bạch, lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ được bình ổn và quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo đảm.

Hợp lý với mặt bằng quốc tế

Theo số liệu thống kê, lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC tại Việt Nam hiện dao động trong khoảng từ 20%-50%/năm, trong khi lãi suất cho vay tiêu dùng của các NHTM chỉ từ 8%-14%/năm. Bên cạnh đó, so sánh với dải lãi suất cho vay tiêu dùng qua CTTC của các nước, ví dụ Mỹ 8%-36%/năm; EU 15%-25%/năm; Trung Quốc 10%-40%/năm; Brazil 30%-70%/năm; Nhật 9%-17%/năm; Ấn Độ 12%-48%/năm... một số quan điểm cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng mà các CTTC đang áp dụng ở Việt Nam là khá cao.

Tuy nhiên, theo thống kê từ các thị trường quốc tế cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay của các CTTC và các NHTM có sự khác biệt khá lớn. Ở một số thị trường,  lãi vay tiêu dùng do các CTTC cung cấp có thể cao gấp đến 10 lần so với lãi suất của ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do những đặc tính ưu việt của sản phẩm cho vay tiêu dùng của các CTTC như là thủ tục đơn giản nhanh chóng, thời gian giải ngân nhanh, các khoản trả định kỳ được bố trí phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng. Nhất là đối với một nhóm khách hàng khó có khả năng vay từ các ngân hàng, thì khoản vay từ CTTC là lựa chọn tối ưu để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng cấp thiết.

Bên cạnh đó, giá của các sản phẩm tài chính tiêu dùng luôn có sự khác nhau giữa các quốc gia và các thị trường. Tại các thị trường phát triển, giá sản phẩm tài chính thường thấp hơn so với thị trường mới hoặc đang phát triển. Trước tiên là do mặt bằng lãi suất của các nước này thường thấp và ổn định hơn, do vậy, chi phí huy động vốn của các CTTC cũng thấp hơn, giảm chi phí đầu vào và do vậy, giúp các công ty có thể cung cấp khoản vay với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, ở các nước phát triển từ lâu đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng với tương đối đầy đủ thông tin, dữ liệu về khách hàng, nhất là thông tin về lịch sử tín dụng. . Từ cơ sở dữ liệu này, các CTTC có thể xây dựng được mô hình định giá phù hợp, có đầy đủ căn cứ để đánh giá chính xác rủi ro không trả được nợ của khách hàng.

Tuy nhiên, tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, những dữ liệu trên không có sẵn, hiện các TCTD Việt Nam chỉ có thể truy cập thông tin từ nguồn dữ liệu duy nhất là Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC, tuy nhiên, các dữ liệu và khách hàng cá nhân tại trung tâm này hầu như vẫn còn rất hạn chế và chậm cập nhật. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn khách hàng ở Việt Nam đều chưa từng có lịch sử tín dụng, do vậy, các CTTC cũng không có bất cứ cơ sở nào để có thể tra cứu thông tin khách hàng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến rủi ro của công ty do không thể tính toán chính xác rủi ro ban đầu của khách hàng.

Theo các quy định pháp lý Việt Nam hiện nay, các CTTC cũng không được phép huy động nguồn vốn ngắn hạn dưới 12 tháng từ tổ chức kinh tế và dân cư, nguồn vốn huy động chủ yếu được vay lại từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác, nhưng với tính chất rủi ro trong hoạt động của công ty thì các CTTC cũng thường phải đi vay với lãi suất cao, khó có thể chủ động trọng nguồn vốn. Kinh nghiệm tại một số các thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu, phát hành trái phiếu thường là một kênh huy động vốn hiệu quả có thể chiếm tới 50% tổng vốn hoạt động của CTTC. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu của các CTTC Việt Nam hiện nay hầu như chưa thể thực hiện được. Thực tế này khiến cho giá vốn đầu vào của các CTTC là khá cao.

Mặt khác, các khoản cho vay tiêu dùng của CTTC thường rất nhỏ (dao động từ vài triệu đến vài chục triệu/1 khoản vay), trong khi đó, các CTTC vẫn cần phải tiến hành các thủ tục thẩm định cho vay như các ngân hàng, triển khai hệ thống dịch vụ đến từng điểm bán hàng; phải xây dựng đội ngũ quản lý, thu hồi nợ cồng kềnh hơn ngân hàng... nên phát sinh chi phí tốn kém hơn. Do đó, nếu đi vào xem xét và so sánh chi phí cụ thể của từng loại sản phẩm cho vay tiêu dùng bao gồm chi phí phân phối, chi phí khoản vay và thu hồi nợ giữa NHTM và CTTC, có thể thấy, các CTTC phải chịu tỷ suất chi phí trên dư nợ cho vay cao hơn so với các NHTM, nghĩa là chi phí cho một đồng vốn vay ở các CTTC là cao hơn nhiều so với các NHTM.

Bình ổn lãi suất bằng cạnh tranh lành mạnh

Hiện lãi suất của các khoản vay tiêu dùng trên thị trường được các CTTC áp dụng thường dao động từ 1,6% - 5%/tháng. Sự chênh lệch lãi suất này tuỳ thuộc từng đối tượng khách hàng thoả mãn được nhiều hay ít các điều kiện cho vay. Theo đó, CTTC áp dụng nhiều mức lãi suất cho khách hàng dựa vào lịch sử tín dụng, khả năng chi trả của khách hàng, đặc thù sản phẩm vay... Như vậy, những khách hàng càng có nhiều thông tin chứng minh khả năng trả nợ của mình thì mức lãi suất cho vay sẽ càng thấp. Các CTTC có kỹ thuật tính lãi suất theo thang điểm rất cụ thể đối với từng khách hàng. Bên cạnh đó, mức lãi suất còn phụ thuộc vào thời gian vay, khoản trả trước (số tiền trả trước của khách hàng để mua sản phẩm)...

Với thủ tục vay đơn giản, không đòi hỏi tài sản thế chấp, các sản phẩm cho vay tiêu dùng của các CTTC đã dần thu hút được lượng lớn khách hàng, đặc biệt là những đối tượng không đủ điều kiện vay tiền tại ngân hàng. Tuy nhiên, những vụ khiếu nại liên quan tới mức lãi suất cao của các khoản vay tiêu dùng trong thời gian qua đã ít nhiều làm ảnh hưởng tới hoạt động và uy tín của các CTTC.


Để tránh những rủi ro khi vay tiêu dùng, các chuyên gia tài chính cho rằng, người vay nên thận trọng trước khi ký kết hợp đồng. Việc ký hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc khách hàng đồng ý với mọi điều khoản đã nêu. Bất kỳ nội dung nào không đúng như ý người muốn vay hiểu thì việc hủy hợp đồng đều bất lợi về pháp lý với người vay, trừ khi điều khoản đó trái với quy định chung của pháp luật. Khi ký vay vốn, người vay nên lưu ý thông tin về thời hạn khoản vay, khoản trả góp hằng tháng, các quy định cụ thể của hợp đồng và chi phí phát sinh nhằm bảo đảm khoản tiền phải chi trả hằng tháng nằm trong khả năng tài chính của mình.

Để phát triển lành mạnh thị trường cho vay tiêu dùng, các chuyên gia tài chính cho rằng, NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC phù hợp với đặc thù và phân khúc thị trường của CTTC. Trong đó, cần quy định rõ CTTC có nghĩa vụ công bố, giải thích đầy đủ, trung thực tất cả các thông tin về cho vay tiêu dùng, gồm: tên sản phẩm tín dụng tiêu dùng, lãi suất, phương pháp tính lãi suất, phí, chi phí liên quan, thời hạn cho vay và trả nợ,... để khách hàng hiểu và quyết định trước khi ký hợp đồng tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN cần có cơ chế quản lý phù hợp đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, hướng tới phát triển một thị tường tín dụng lành mạnh, minh bạch và hiệu quả, bởi khi thị trường được mở rộng và áp lực cạnh tranh tăng lên, sẽ đem lại được lợi ích tốt nhất cho khách hàng...

Theo dự báo của các chuyên gia, trong vòng 5 năm tới, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam có thể đạt tới 10% GDP, tức là tăng bình quân mỗi năm 20%. Điều này không chỉ hứa hẹn sự bùng nổ về các sản phẩm, dịch vụ cho vay tiêu dùng trong thời gian tới, mà còn tạo ra sức ép đối với các TCTD muốn xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường này. Vì vậy, việc nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích của cả TCTD và khách hàng, nhất là sự minh bạch của thị trường, qua đó thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Cần có cái nhìn khách quan về cho vay tiêu dùng”
“Cần có cái nhìn khách quan về cho vay tiêu dùng”

VOV.VN - TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN, Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chia sẻ quan điểm về cho vay tiêu dùng.

“Cần có cái nhìn khách quan về cho vay tiêu dùng”

“Cần có cái nhìn khách quan về cho vay tiêu dùng”

VOV.VN - TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN, Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chia sẻ quan điểm về cho vay tiêu dùng.

Cảnh báo lừa đảo tín dụng tiêu dùng
Cảnh báo lừa đảo tín dụng tiêu dùng

VOV.VN - Lĩnh vực tín dụng tiêu dùng xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được ghi nhận khiến người dân bức xúc.

Cảnh báo lừa đảo tín dụng tiêu dùng

Cảnh báo lừa đảo tín dụng tiêu dùng

VOV.VN - Lĩnh vực tín dụng tiêu dùng xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được ghi nhận khiến người dân bức xúc.