Cần tổ chức lại sản xuất để chủ động tiêu thụ trái cây
VOV.VN - Hiện nay, diện tích, sản lượng trái cây ở tỉnh Tiền Giang liên tục tăng nhưng đầu ra khó khăn dẫn đến sản lượng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu giảm.
Đến nay, tỉnh Tiền Giang vẫn là một trong những địa phương có diện tích cây ăn trái chuyên canh lớn nhất cả nước với trên 85.000 ha, ước sản lượng trái cây năm nay của tỉnh đạt hơn 1,6 triệu tấn. Trong đó sầu riêng chiếm diện tích cao nhất 16.000 ha, tiếp theo là cây mít trên 15.000 ha và khóm trên 14.000 ha.
Toàn tỉnh đã có hơn 2.700 ha cây ăn trái được chứng nhận sản xuất VietGAP, Global GAP; đồng thời được cấp 281 mã số vùng trồng; trong đó có 127 mã số vùng trồng xuất sang Trung Quốc, 154 mã số vùng trồng xuất sang Mỹ, Úc, Nhật, NewZeland. Ngoài ra, Tiền Giang còn có 728 cơ sở đóng gói trái cây được cấp mã số phục vụ xuất khẩu.
Để tiêu thụ trái cây, Tiền Giang đã có 100 công ty, hợp tác xã thu mua chế biến trái cây với sản lượng hàng năm trên 400.000 tấn trái. Hiện tại có 17/21 doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trực tiếp. Bên cạnh xuất khẩu, trái cây tỉnh Tiền Giang còn cung ứng cho 173 chợ đầu mối và hệ thống siêu thị trên cả nước.
Trong 4 tháng qua, sản lượng trái cây xuất khẩu của Tiền Giang được trên 3.500 tấn, đạt giá trị gần 9 triệu USD, giảm 30% về sản lượng và giảm 1,18% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, nhiều loại trái cây giá có tăng hơn tháng trước như: thanh long ruột đỏ giá 15.000 đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg; mít loại 1 giá 8.000 đồng/kg tăng 1.000 đồng/kg; sầu riêng từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Đặc biệt dừa xiêm Xanh giá 110.000 đồng/ chục quả tăng 20.000 đồng/ chục.
Trong chuyến làm việc mới đây tại Tiền Giang, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) đánh giá cao về tình hình sản xuất và tiêu thụ trái cây của Tiền Giang cũng như nhiều địa phương vùng ĐBSCL, nhất là công tác quản trị, thống kê số liệu về sản lượng và diện tích của từng loại cây trồng qua từng tháng, mùa vụ trong năm.
Tuy nhiên, các ngành chức năng chưa chủ động trước thông tin giá cả của các loại trái cây khi biến động về đầu ra và chưa có khuyến cáo, phân tích đối với dư luận, nông dân, doanh nghiệp trên tinh thần tôn trọng quy luật thị trường. Mô hình liên kết sản xuất trái cây đạt hiệu quả không nhiều.
Theo ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt, bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng trái cây theo hướng xuất khẩu thì công tác quản trị bài bản hơn về cây ăn trái cần được chính quyền và các ngành chức năng ở Tiền Giang và vùng ĐBSCL quan tâm.
“Tôi thấy các tỉnh trong thời gian tới vẫn phải tôn trọng quy luật thị trường, tuy nhiên chúng ta cần phải tham gia vào công tác quản trị, tổ chức sản xuất để chủ động hơn trong việc tiêu thụ trái cây. Năm 2021, chúng tôi đã xây dựng công cụ quản trị về vùng trồng cây ăn trái. Chúng ta sẽ nắm được toàn bộ sản lượng, giá thành, thời gian thu hoạch, cũng như tuổi của cây đang thu hoạch và còn đánh giá được mức độ lợi nhuận của cây ăn trái trong một vùng cụ thể ” - ông Tùng nhấn mạnh./.