Cánh đồng lớn là “lối thoát hiểm” của ngành mía đường
VOV.VN - Áp lực từ đường nhập khẩu khiến giá mía nguyên liệu giảm kỷ lục, do đó việc tăng cường liên kết, đổi mới sản xuất là cách để ngành mía đường phát triển.
Giá đường trong nước hiện đang thấp kỷ lục là 12.000 đồng/kg tại nhà máy và dự báo sẽ khó tăng trong thời gian tới do Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực. Với hiệp định này, thuế nhập khẩu đường sẽ về 0%, hạn mức nhập khẩu sẽ bị xóa bỏ, Việt Nam phải cạnh tranh sòng phẳng với các nước có giá thành đường dưới 10.000 đồng/kg.
Thực tế hiện nay và áp lực từ đường nhập khẩu khiến giá mía nguyên liệu giảm kỷ lục. Ở tỉnh Gia Lai, niên vụ mía 2017-2018 đã bắt đầu với giá mía chỉ còn 800.000 đồng/tấn 10 chữ đường, giảm hơn 300.000 đồng so với niên vụ trước.
Cánh đồng mía lớn ở thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, Gia Lai |
Trên cánh đồng mía lớn của bà con thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, ông Tống Văn Hiền đang chuẩn bị thu hoạch mía. Ông Hiền cho biết, đây là vụ đầu tiên ông tham gia vào mô hình liên kết giữa nông dân và nhà máy và cảm thấy rất mong chờ ngay từ đầu vụ, bởi cách canh tác đã hoàn toàn thay đổi so với truyền thống, với giống mía mới, xuống giống cơ giới, chăm bón, tưới nước tự động. Còn bây giờ, chỉ cần nhà máy phát lịch, sẽ có xe của công ty tới thu hoạch, cân đo.
Theo tính toán của ông Hiền, dù giá giảm chỉ còn 800.000 đồng/tấn, ông vẫn cầm chắc lợi nhuận vài chục triệu đồng. Nếu vẫn giữ giá, mía vụ sau sẽ có lợi nhuận sẽ tăng thêm khoảng 30% so với vụ mía gốc: “Trồng truyền thống thì chỉ 60 tấn, nếu làm mô hình mẫu lớn thì phải đạt từ 100 đến 120 tấn/ha. Chi phí làm cánh đồng mẫu cũng ít hơn, lúc nào cũng có nước tưới, cây mía phát triển mạnh, đỡ phân. 1 ha thu lời được 30 triệu đồng”, ông Tống Văn Hiền cho biết.
Theo ông Nguyễn Bá Chủ, Chủ tịch công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai, đơn vị thu mua hầu hết vùng nguyên liệu mía ở 4 huyện phía đông nam của Gia Lai cho biết, cánh đồng mía lớn là con bài chiến lược của doanh nghiệp, nhằm cạnh tranh được khi thuế suất và hạn mức nhập khẩu bị hủy bỏ. Bấy lâu nay, dư luận vẫn nêu câu hỏi, ngành mía đường Việt Nam có tồn tại được hay không khi cạnh tranh sòng phẳng với các nước có giá thành đường dưới 10 triệu đồng/tấn, thì nay, với hiệu quả đã thấy từ cánh đồng mẫu lớn, câu trả lời là “được”, bởi bài toán năng suất, hiệu quả đã tìm được đáp số:
“Điều quan trọng nhất là nông dân chủ động được trên cây trồng và tự chăm sóc. 90 đến 100 tấn là bình thường. Muốn cạnh tranh với thế giới thì không thể canh tác theo kiểu tự phát được. Bây giờ thuế, các thứ... mở hết rồi, phải làm sao ra giá thành thấp hơn bình quân giá thành thế giới thì mới có lời và tái đầu tư”, ông Nguyễn Bá Chủ, chia sẻ.
Cánh đồng mía lớn là lời giải sinh động cho bài toán tồn tại của ngành mía đường |
Tuy nhiên, trong số 40.000 ha mía nguyên liệu ở Gia Lai, mía trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn mới chỉ chiếm khoảng 10%, số còn lại vẫn đang canh tác theo phương thức truyền thống, đang rất chật vật trong đảm bảo hiệu quả sản xuất khi giá thị trường xuống thấp. Đặc biệt niên vụ 2017-2018 này, mía bị ảnh hưởng bởi bão số 12, ngã đổ nhiều, trữ đường không đạt yêu cầu.
"Năm nay, những ruộng mía tốt thì mới lời được 10 triệu/ha, chỗ xấu thì không được. Lời ít như vậy thì chỉ đủ chi phí chứ tái lại là phải đi vay mượn", bà Vũ Thị Hằng, thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, cho biết.
Theo ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện, để cạnh tranh được trong điều kiện giá mía xuống thấp, nông dân buộc phải đưa năng suất lên cao. Thế nhưng, với cách canh tác truyền thống và với tình hình khí hậu biến đổi phức tạp như hiện nay, đa phần diện tích mía truyền thống sẽ chỉ hòa vốn hoặc lỗ vốn. Thực tế này là cơ sở để địa phương tiếp tục mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn trong các năm tiếp theo.
“Khi mức giá đường thấp, biện pháp duy nhất là làm sao tăng năng suất cây mía lên, bù lại giá thấp đó. Muốn làm được việc đó, phải mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, áp dụng đồng bộ cơ giới từ khâu làm đất, chăm bón, thu hoạch. Tại huyện chúng tôi hiện nay, diện tích cánh đồng mẫu lớn trên 500 ha thì năng suất rất cao. Bình quân trên 80 tấn", ông Mai Ngọc Quý nhận định.
Mía đường tồn tại hay không trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, đang được thực tế niên vụ 2017 - 2018 tại Gia Lai trả lời sinh động. Đó là tăng cường liên kết, chấp nhận đổi mới để tồn tại, phát triển. Đổi mới chậm sẽ gặp khó khăn. Còn không đổi mới, sẽ bị đào thải./.
Ngành mía đường muốn hội nhập được phải giảm giá thành
Cơ cấu lại ngành mía đường: Xu hướng tất yếu khi hội nhập