“Chưa thấy doanh nghiệp nào phá sản vì làm phân bón giả”
VOV.VN - Đánh giá của Phó Chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam về thực trạng quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón hiện nay.
Việt Nam hiện có đến 60 triệu dân đang sống bằng nông nghiệp, vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống và của người dân.
Một điều rất dễ nhận thấy, đó là phân bón giả làm mùa màng thất bát, giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, khi chất lượng nông sản kém đi vừa khiến cho bản thân người tiêu dùng Việt Nam bị thiệt hại, sản phẩm nông sản xuất khẩu cũng không thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam, thực tế của vấn nạn phân bón giả thời gian qua đã và đang gây ra những ảnh hưởng, những hệ lụy vô cùng khủng khiếp.
Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam. |
PV: Thưa ông, có thể thấy từ lâu nay vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đang là một thảm họa cho người nông dân. Vậy tại sao chúng ta chưa xử lý dứt điểm được được vấn nạn này?
Ông Phạm Ngọc Hùng: Sở dĩ tình trạng phân bón giả, kém chất lượng còn tràn lan như hiện nay cần phải xem xét nhiều vấn đề. Trước hết là chính sách quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ. Nhìn lại Nghị định 202 điều chỉnh thị trường phân bón trong nước, nhưng lại giao cho Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ, Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ.
Thế nhưng trên thực tế, sản xuất phân bón đâu có sự tách biệt nhà máy này chỉ sản xuất phân vô cơ, nhà máy kia chỉ sản xuất phân hữu cơ, mà các nhà máy sẽ phải sản xuất cả hai loại, chưa kể có những loại phân bón pha trộn cả vô cơ và hữu cơ. Chính vì thế, chúng ta không thể phân trách nhiệm cho Bộ Công Thương hay Bộ NN&PTNT khi có vi phạm.
Hiện nay, điểm này của Nghị định 202 cũng đang được sửa chữa theo hướng giao hoàn toàn việc quản lý phân bón cả vô cơ và hữu cơ cho Bộ NN&PTNT, nhưng nếu chuyển từ Bộ Công Thương sang Bộ NN&PTNT quản lý thì lập tức Bộ NN&PTNT phải làm hàng loạt quy chuẩn, giám sát. Việc này trong một thời gian ngắn chưa chắc sẽ làm được.
PV: Cơ chế quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón còn một số bất cập là 1 trong những nguyên nhân dẫn tới vấn nạn trên. Vậy thì chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phân bón thời gian qua ra sao?
Ông Phạm Ngọc Hùng: Nói đến vấn đề xử phạt, hiện có hai hình thức là xử phạt hành chính và xử phạt hình sự, nhưng giữa hai hình thức này cũng rất mập mờ. Điển hình như “kỳ án Thuận Phong”, khu các cơ quan chức năng ở Đồng Nai, lợi dụng việc mập mờ giữa hai hình thức này đã không làm tới nơi tới chốn.
Đáng ra đã là tội danh sản xuất hàng giả, rồi Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, Ban Chỉ đạo 389 cũng yêu cầu xử lý doanh nghiệp rất nhiều lần. Nhưng riêng Thuận Phong lại đã được tỉnh Đồng Nai vội vàng xử lý vi phạm hành chính thì không ổn chút nào.
Bởi với hành vi sản xuất phân bón giả như Thuận Phong mà chỉ xử lý vi phạm hành chính có 500 triệu đồng thì chưa đủ một lần ăn lãi của họ. Mức phạt như thế sẽ không doanh nghiệp nào họ ngại, nhất là những “ông lớn” như Thuận Phong.
Có thể thấy, chế tài xử phạt ở nước ta đối với các vi phạm về phân bón là quá nhẹ và thiếu sức răn đe. Trong khi đó ở nước ngoài, nếu doanh nghiệp vi phạm sản xuất hàng giả, mức phạt lớn hơn rất nhiều doanh số của nhà sản xuất. Đồng thời lập tức bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Điều đó cũng có nghĩa, doanh nghiệp sản xuất hàng giả mà bị phát hiện coi như phá sản. Nhưng ở Việt Nam, tôi chưa thấy doanh nghiệp nào bị như vậy.
PV: Qua phân tích của ông có thể thấy rõ điểm mấu chốt trong việc xử lý vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng. Theo ông, trước mắt và lâu dài, giải pháp nào sẽ là “mạnh tay” để chấm dứt tình trạng này?
Ông Phạm Ngọc Hùng: Vấn đề cốt lõi nhất là làm chính sách. Người làm chính sách phải rất có tâm, phải hiểu rằng, nếu không có tâm thì vấn nạn này sẽ gây ra những hệ lụy kinh khủng thế nào đến đời sống, an sinh xã hội, đến hoạt động của các doanh nghiệp chân chính, môi trường, sức khỏe… từ đó kéo cả nền kinh tế đi xuống.
Còn một yếu tố nữa tôi muốn nhắc đến đó là ý thức con người, ý thức của mỗi người làm công tác xử lý vấn nạn này. Chúng ta chỉ xử lý được phân bón giả, kém chất lượng khi chúng ta kiên quyết xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, buôn bán. Nhưng cái cần trước tiên là chúng ta có quy chế xử lý nghiêm cán bộ công chức có hiện tượng bảo kê, móc ngoặc bắt tay, ăn chia với các đối tượng vi phạm.
Ở đâu cũng thế, lĩnh vực nào cũng vậy, yếu tố con người rất quan trọng. Nếu luật có kẽ hở mà con người nghiêm thì vẫn được thực thi. Còn chúng ta không mong sử dụng những cán bộ “bẩn” để có thể làm sạch thị trường hàng giả.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Vấn nạn phân bón giả: 800 cơ sở sản xuất kinh doanh là quá nhiều